Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần tạo các chính sách thông thoáng hơn, những “luồng gió mát hơn” để kích thích doanh nghiệp phát triển |
Đánh giá về báo cáo kinh tế xã hội và kế hoạch “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19 của Chính phủ tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV được khai mạc vào ngày 20/5, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng: Về tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm trong điều kiện dịch Covid-19 nhưng với mục tiêu kép “Chống dịch như chống giặc” và phát triển kinh tế ổn định, cử tri và đại biểu quốc hội rất phấn khởi, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và hành động quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.
Về những nhiệm vụ, giải pháp những tháng còn lại của năm 2020 không còn nhiều, trong những nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đã được đề cập cơ bản. Tuy nhiên cũng cần quan tâm hơn các lĩnh vực, xác định các giải pháp căn cơ để tập trung: Vấn đề an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 của Chính phủ thì cần tập trung hơn nữa, vào cuộc quyết liệt hơn nữa để các chính sách này đến với người dân nhanh nhất và công khai, dân chủ.
Trong lĩnh vực rút ngắn các mục tiêu còn lại, đại biểu cho rằng cần tháo gỡ những khó khăn, những vướng mắc trong hệ thống pháp luật, văn bản pháp luật, nhất là lĩnh vực đầu tư công. Vấn đề thu ngân sách cần có những chính sách linh hoạt, cởi mở, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận những chính sách thông thoáng hơn, những “luồng gió mát hơn” và có những khoanh nợ, giãn nợ để kích thích phát triển doanh nghiệp và nuôi dưỡng được nguồn thu trong tương lai.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận định việc họp trực tuyến Quốc hội lần này diễn ra trong bối cảnh phòng chống Covid-19 đã đáp ứng mục tiêu đề ra |
Đây là lần đầu tiên kỳ họp Quốc hội được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, các đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố không đến thủ đô mà tham gia họp trực tuyến từ các điểm cầu trên cả nước.
Đánh giá về hình thức họp trực tuyến, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng: Họp trực tuyến Quốc hội lần này diễn ra trong bối cảnh phòng chống Covid-19, về cơ bản cách thức tổ chức đáp ứng yêu cầu đặt ra của Quốc hội.
Chúng ta cần thấy rằng việc hoạt động Quốc hội không chỉ là thông tin, phản ánh mà còn là không khí nghị trường, đòi hỏi sự thảo luận, tranh luận để vạch ra vấn đề cần thống nhất trước khi Quốc hội quyết định.
Đây là môi trường rất là quan trọng, vì thế cần tiếp nối theo hướng tùy chọn các nội dung phù hợp để trao đổi qua kênh trực tuyến, còn những vấn đề cốt lõi thuốc về vấn đề thảo luận, bàn bạc để đi đến các quyết định quan trọng của Quốc hội thì phải có kỳ họp tập trung để đại biểu có điều kiện trao đổi, thảo luận đưa ra ý kiến của mình, trên cơ sở đó việc tổng hợp, đưa đến quyết định chắc chắn sẽ đầy đủ và thông nhất.