Cần sớm hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Hoàng Ngân| 07/09/2022 16:22

(TN&MT) - Sáng 7/9, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo “Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo.

6l0a0973.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khương Trung

Tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng KTTH còn thấp

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết: Phát triển bền vững nói chung và phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) nói riêng đã và đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng "xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường". Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng nhấn mạnh: "Khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu tư của quá trình sản xuất".

Mới đây, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định cần tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội....

Nghị quyết cũng đề ra các mục tiêu cụ thể đối với phát triển KTTH như: Góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050; đến năm 2030 các dự án KTTH trở thành động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thông qua các mô hình KTTH đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế...

Để triển khai quyết định trên, các Bộ, ngành hiện đang triển khai nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.

Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như: Tân Hiệp Phát, Vinamilk, TH Group, Nestlé, Coca-cola Việt Nam, Heineken Việt Nam... đã thiết kế những quy trình tái chế, tái sử dụng, mô hình kinh doanh tuần hoàn hoặc theo hướng tuần hoàn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và phản ánh của các doanh nghiệp, quá trình phát triển KTTH nói chung và mô hình KTTH nói riêng đang gặp phải không ít khó khăn, rào cản. Nổi lên là nhận thức về KTTH còn hạn chế, thiếu các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển KTTH và áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn, nhất là chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ và đào tạo; công tác thông tin, truyền thông về KTTH và kinh doanh tuần hoàn còn hạn chế; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định chính sách với các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương vừa được công bố, hiện đã có các doanh nghiệp Việt Nam chuyển từ mô hình kinh doanh tuyến tính sang mô hình kinh doanh tuần hoàn. Song, do nhiều nguyên nhân, nhất là do còn thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể của Chính phủ, số lượng và tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng KTTH còn thấp.

6l0a1006(1).jpg
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Khương Trung

Sớm hoàn thiện chính sách

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Chuyển đổi sang nền KTTH đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN bởi chính những lợi ích về cả kinh tế và môi trường. Ước tính đến nay có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các lộ trình để phát triển KTTH. Năm 2021, Hội Nghị Bộ trưởng ASEAN đã ký thông qua Khung Kế hoạch thực hiện KTTH cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tín hiệu đó cho thấy, KTTH ngày càng nhận được sự ủng hộ trên cả phương diện khoa học, thực tiễn chính sách của các quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, KTTH đã sớm nhận được quan tâm của Đảng, Nhà nước với các định hướng, chỉ đạo theo hướng toàn diện, thống nhất trong các văn kiện của Đảng hoặc định hướng Chiến lược, đề án của Chính phủ. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua với nhiều đột phá dựa trên định hướng chung là thúc đẩy chuyển đổi xanh, thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, để thực hiện được KTTH đòi hỏi một tiến trình dài hạn với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống để từng bước hình thành và vận hành các hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế; đổi mới, sáng tạo trên cơ sở áp dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của công nghệ để thiết lập một chuỗi giá trị gia tăng mới, tạo lập các mô hình kinh doanh tuần hoàn mới, và các động lực giá trị mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đối với một quốc gia như Việt Nam để thực hiện KTTH chứa đựng cả những cơ hội và rào cản. Trong đó, có cần phải có những nỗ lực từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức, cá nhân ở trong nước nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ.

6l0a0997(1).jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Khương Trung

Chính vì vậy, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, trong ngắn hạn Việt Nam cần tập trung đưa các quy định của Luật BVMT vào cuộc sống, sớm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện KTTH để lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các định hướng mục tiêu, chỉ tiêu, giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành và địa phương trong cụ thể hóa chủ trương này.

Cùng với đó, trong dài hạn, hệ thống pháp luật có liên quan cần lồng ghép tư duy của KTTH để hoàn thiện các quy định khác có liên quan như pháp luật về đầu tư công để hướng đến thúc đẩy mua sắm công xanh, pháp luật về thuế, phí BVMT để hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn để giao trách nhiệm rõ ràng cho các Bộ, ngành trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nguyên liệu, vật liệu thứ cấp; pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để hướng đến đảm bảo “quyền được sửa chữa, cập nhật các sản phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm”…

Đặc biệt, cần phát huy vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách nhằm kích thích ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp KTTH vào trong quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và quản lý chất thải để tạo ra những vòng lặp tuần hoàn, kết nối một cách hệ thống để tạo dựng một xã hội tuần hoàn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển KTTH cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về KTTH, kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là các quy định chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp. Phát triển khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn. Xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng KTTH, kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng số tay hướng dẫn áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy mô.

Đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, cần thực hiện phân tích chi phí - lợi ích (CBA) của mô hình kinh doanh tuần hoàn mà doanh nghiệp dự kiến áp dụng trước và sau khi chuyển đổi để thấy rõ được tiềm năng, lợi ích của việc chuyển đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO