Doanh nghiệp - doanh nhân

Ngành cơ khí chuyển mình nhờ chính sách hỗ trợ

Trung Dũng 11/12/2024 - 11:22

Cơ khí – máy móc và thiết bị là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ thị trường nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam.

Với chiến lược đúng đắn và hành động quyết liệt, ngành cơ khí Việt Nam đã có những bước chuyển mình và hoàn toàn có thể tạo nên những bước tiến mạnh trên bản đồ công nghiệp toàn cầu. Hiện ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình và rất cần có sự đồng hành của Chính phủ.

Chính sách đúng đắn tạo nên động lực

Những năm qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm hỗ trợ và đề ra các giải pháp để phát triển ngành cơ khí. Có thể kể đến một số cơ chế, chính sách như sau: Nghị quyết 29NQ/TW của Trung ương về việc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó đề ra các nhóm giải pháp, cũng như đề ra 6 nhóm công nghiệp nền tảng mà chúng ta phải tập trung phát triển trong thời gian tới và tôi cho rằng đây là một văn bản rất quan trọng để triển khai những công việc khác; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngành cơ khí của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 quy định rất cụ thể các cơ chế chính sách cũng như là các sản phẩm cơ khí trọng điểm để đầu tư phát triển sản xuất; Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước, các thiết bị nhà máy nhiệt điện đến năm 2025.

340357011-214073817978333-8153-3645-9907-169069276520240123173734.jpg
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đầu tư vào công nghệ, thiết bị tiên tiến, lựa chọn phụ tùng, linh kiện cũng là một giải pháp quan trọng

Đáng chú ý Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 quy định rất cụ thể các cơ chế, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Từ quyết định này thì nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị phụ trợ về cơ khí đã đầu tư và thành công.

Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành, hiệp hội, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành cơ khí đã có những chuyển biến tích cực. Ngành cơ khí - máy móc và thiết bị trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…

Theo TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, Ngành cơ khí Việt Nam đã phát triển với nhiều chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, từ trước đến nay, các dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy hầu hết là do các đơn vị nước ngoài đảm nhận, ví dụ những đơn vị như Honda, Toyota, Huyndai,.. nước ngoài đảm nhận. Thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của Vinfast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3 đã khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được những công việc khó mà từ trước tới nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài.

Cơ hội mới khi hội nhập

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành cơ khí chế tạo của Việt nam đang có nhiều cơ hội để có thể tiến xa hơn. Với việc thực thi một loạt các FTA thế hệ mới, giúp doanh nghiệp cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài.

cnht-1682321933539585337738_f71ee.jpg
Cơ khí – máy móc và thiết bị là ngành công nghiệp then chốt

Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) –nhận định: doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào.

Khi chúng ta tham gia các hiệp định sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi về đầu tư, về thuế, về sản phẩm, và những cơ chế ưu đãi khác. Do vậy mà chúng ta sẽ có cơ hội cạnh tranh tốt hơn, sản phẩm có thể cạnh tranh tốt hơn so với các sản phẩm ở bản địa cũng như với những sản phẩm ở các nước mà cũng xuất khẩu vào mà chưa ký FTA với các thị trường đó. Ngoài ra, chúng ta cũng có thêm cơ hội nữa, đó là cơ hội khi chế tạo các sản phẩm tại Việt Nam thì chúng ta có cơ hội nhập khẩu các linh kiện, thiết bị với giá thành được ưu đãi… Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt với những sản phẩm cùng loại khi nước bạn xuất khẩu sang, đồng thời, phải cạnh tranh về chất lượng.

Cần đưa ngành cơ khí vào các chương trình phát triển

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, nhiều chuyên gia bày tỏ, doanh nghiệp cơ khí cần thêm các cơ chế khuyến khích; trong đó, ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa cho các dự án kinh tế, đầu tư trong nước, ưu tiên về vốn.

Tại toạ đàm ‘Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí’ do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 9/12, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, trong lĩnh vực gia công chế tạo máy, tỷ trọng doanh nghiệp FDI đang tham gia hoạt động sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong đó, các doanh nghiệp Việt đa phần là sản xuất linh, phụ kiện chi tiết để cung cấp ngược lại cho các doanh nghiệp FDI thuộc ngành điện tử, máy in, máy giặt (như Canon, Samsung, LG,…) hoặc tập trung cung cấp phụ tùng cho các ngành ô tô, xe máy như Honda, Yamaha.

Đa số các doanh nghiệp hiện tại vẫn phải dựa trên vay vốn ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính để đầu tư và trong quá trình đó có thể 5 -7 năm mới có thể thu hồi vốn. Nếu có nguồn quỹ đất dành riêng cho doanh nghiệp mà không thu tiền và có nguồn vốn đầu tư cho vay hỗ trợ không lãi suất thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Cao Văn Hùng - Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam kiến nghị: Hiện việc tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thủ tục khá nhiều. Doanh nghiệp mong muốn sẽ được đơn giản hoá, hoặc có cơ chế để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng Ngành cơ khí cần được đưa vào các chương trình phát triển với những ưu đãi nhất định về thuế, vốn, thị trường… bởi đây là ngành sản xuất nền tảng, hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Muốn ngành cơ khí trong nước phát triển phải có được thị trường, nhưng để làm được điều này đòi hỏi Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước theo hướng nếu những thiết bị nào trong nước đã sản xuất được thì kiên quyết không cho nhập khẩu.

Ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Hà Nội bày tỏ, quan trọng nhất đối với doanh nghiệp cơ khí là thị trường. Bộ Công Thương cần định hình cho doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng, phân chia thị trường như thế nào để có cơ hội cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa. Sau đó mới mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất và cạnh tranh để từ đó tham gia chuỗi cung ứng.

Một số chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu theo hướng nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế. Điều này vừa tạo thị trường, vừa giúp nâng cao năng lực và sự liên kết của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành cơ khí chuyển mình nhờ chính sách hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO