Môi trường

Điện Biên: Động lực để người dân tham gia bảo vệ rừng

Hoàng Châu 28/11/2024 - 10:42

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Điện Biên, không chỉ cung cấp nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tạo động lực để người dân gắn bó với việc bảo vệ và phát triển rừng, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và cải thiện sinh thái rừng tại các địa phương.

Những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều chuyển biến tích cực các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, hạt kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như trong việc phòng, chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép…

Đồng thời, còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng. Chính sách chi trả DVMTR đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, đã tạo một nguồn thu nhập ổn định đối với người làm nghề rừng, đời sống từng bước được cải thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng.

a1.jpg
Diện tích rừng của cộng đồng các bản huyện Nậm Pồ được bảo vệ nguyên vẹn

Giai đoạn 2019 - 2023, tổng diện tích rừng được hưởng tiền DVMTR rừng là trên địa bàn tỉnh là 316.416,65ha. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả hơn 994,469 tỷ đồng tiền DVMTR cho các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình. Đồng thời, UBND tỉnh đã chủ động điều tiết số tiền chưa xác định được đối tượng chi, để bù đơn giá cho lưu vực thấp (như lưu vực Sông Mã, một số lưu vực nội tỉnh,...) để tạo sự công bằng và khuyến khích công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa các chủ rừng và nhận được sự đồng thuận từ người dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều này góp phần tăng độ che phủ rừng của tỉnh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết: Nguồn thu từ chi trả DVMTR đã góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo, góp phần tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh. Thông qua chính sách chi trả DVMTR, các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng và tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, tình trạng cháy rừng, xâm lấn đất rừng và khai thác rừng trái phép dần được hạn chế. Đặc biệt, việc triển khai chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, ít gặp rủi ro, công khai, minh bạch và được người dân hưởng ứng cao.

a4.jpg
Lực lượng kiểm lâm tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR

Đồng thời, chính sách chi trả DVMTR đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo lập nguồn tài chính ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống cho người dân

Điển hình một số chủ rừng nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tương đối cao, như: Cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé (bình quân mỗi hộ nhận được gần 87 triệu đồng/năm); cộng đồng bản Thẩm Táng, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo (bình quân mỗi hộ nhận được gần 28 triệu đồng/năm); thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 2 triệu đồng/hộ/năm. Một số cộng đồng dân cư đã trích một phần từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được nhận để hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở nhà văn hóa, làm đường nội bản, hỗ trợ các hoạt động văn hóa…

a5.jpg
Nhận được chi trả tiền DVMTR, chủ rừng huyện Tuần Giáo đã đầu tư trồng rừng

Có thể thấy, việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi nhận thức của Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, từng bước tạo lập sinh kế cho người dân sống được bằng nghề rừng. Từ đó cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm cho người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh; góp phần thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Động lực để người dân tham gia bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO