Cần đảm bảo quyền lợi người dân vùng khai mỏ

14/04/2015 00:00

(TN&MT) -Phần lớn khai thác khoáng sản hiện nay tại Việt Nam không chỉ tác động xấu tới môi trường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, tước đi sinh kế bền vững của người dân khu vực có khoáng sản được khai thác. Thế nhưng, quyền lợi của người dân khu vực có khoáng sản đang khai thác lại chưa được quan tâm thỏa đáng.

 “Rõ” trong chính sách

Tại Điều 7 của Luật Khoáng sản năm 1996 đã quy định về trách nhiệm trong việc đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân địa phương nơi khoáng sản được khai thác và được cụ thể hóa bằng Quyết định số 219/1999/QĐ-TTg về chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 76/2000/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 219. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện các phương án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; ổn định đời sống và sản xuất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải thay đổi nơi cư trú, nơi sản xuất. Khoản kinh phí trên sẽ được bố trí trong dự toán ngân sách cấp tỉnh hàng năm. Tổng dự toán chi phải được cân đối từ dự toán thu hàng năm từ hoạt động khoáng sản của ngân sách cấp tỉnh; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương chỉ được chi dùng cho các phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác đã được duyệt.

Quyết định 219 và Thông tư 76 là 2 văn bản pháp lý quy định cụ thể chính sách của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân nơi khai thác khoáng sản, đây là cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn thu từ hoạt động khoáng sản nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân. Những hạn chế của Điều 7 Luật Khoáng sản năm 1996 đã được sửa đổi, thay thế tại Điều 5 của Luật Khoáng sản 2010 quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác với nội dung chi tiết, cụ thể hơn.

Người dân bất chấp nguy hiểm đi mót vàng
Người dân bất chấp nguy hiểm đi mót vàng

Như vậy, xét về mặt pháp lý, quan tâm đảm bảo quyền lợi của người dân, của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác đã được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật về khoáng sản. Thế nhưng, thực tế sau 15 năm tính từ khi có Quyết định 219 đến nay, người dân chưa nhận được quyền lợi thực sự mà đáng lý ra họ phải được nhận. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng, ở đâu có khai thác khoáng sản thì ở đó dân kêu, đời sống người dân ngày càng khó khăn do ảnh hưởng tác động môi trường, đất đai và nguồn tư liệu sản xuất ngày một thoái hóa và cạn kiệt.

“Mờ” trong thực tế

Thực tế tại các tỉnh như Bắc Cạn, Tuyên Quang… là những địa phương nổi tiếng giàu tài nguyên khoáng sản. Những tưởng đó sẽ là lợi thế lớn để người dân nơi đây có thể đổi đời, hết cảnh nghèo khó. Song, lợi thế ấy lại trở thành yếu thế của những người dân tại các địa phương này. Bởi, các DN đua nhau khai thác khoáng sản theo kiểu tận diệt và không hề tạo được công ăn việc làm bền vững cho người dân địa phương. Hệ lụy là, người dân ở đây "nghèo vẫn hoàn nghèo” trong khi môi trường sống, môi trường xã hội lại bị tàn phá nặng nề.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ sự nghi ngại khi hiện nay có tỉnh thu ngân sách từ khoáng sản không đủ tiền để chi cho sửa đường. Có tỉnh cấp 200 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng thu từ nguồn này không đủ nuôi bộ máy quản lý trong lĩnh vực. Như thế khai thác làm gì, người dân được  hưởng lợi gì?

Cũng theo phân tích của chuyên gia khoáng sản khẳng định: Đến nay việc thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương chủ yếu thông qua các quy định có phần khá “ưu ái” của chính quyền địa phương khi cho họ “tự nguyện” nộp một khoản phí hàng năng hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ các quỹ phúc lợi của địa phương; sử dụng lao động địa phương… mà chưa thông qua “Phương án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác” cũng như “Phương án bảo hộ ổn định đời sống và sản xuất cho tổ chức, bộ phận nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác” do chính UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt.

Thực tế này dẫn tới việc không có cơ sở để các cấp chính quyền cơ sở (cấp huyện, xã) cũng như các cơ quan chuyên môn (các Sở liên quan của tỉnh) hướng dẫn và giám sát quá trình thực hiện. Do vậy, việc thực hiện nội dung nào, mức độ đến đâu, có triển khai các phương án nhằm bảo hộ quyền lợi người dân hay không đều phụ thuộc vào sự tự giác và “lòng hảo tâm” của doanh nghiệp. Và khi nào quyền lợi chính đáng của người dân còn dựa vào sự tự giác của doanh nghiệp thì mọi kết quả đạt được chỉ là những cuộc “đóng góp từ thiện” nhỏ lẻ mà thôi!

Bài và ảnh: Minh Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đảm bảo quyền lợi người dân vùng khai mỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO