Các Đại sứ khám phá vẻ đẹp độc đáo "Tết Việt"

30/01/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 28/1 (tức mùng 1 Tết Đinh Dậu), Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với các Đại sứ quán tại Hà Nội tổ chức chương trình du xuân khám phá vẻ đẹp Tết Việt trong lòng phố cổ.

Đại sứ các nước vô cùng hào hứng khi được khám phá vẻ đẹp độc đáo
Đại sứ các nước vô cùng hào hứng khi được khám phá vẻ đẹp độc đáo "Tết Việt"

Đại sứ Phạm Sanh Châu - Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề UNESCO cho biết: Đối với người Việt Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, dù trải qua nhiêu biến thiên của lịch sử. Song cho đến nay “Tết Việt” vẫn mang trọn trong mình những giá trị, những nét đẹp truyền thống có từ xa xưa của cha ông để lại. Nhằm góp phần tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy và đặc biệt là giới thiệu những vẻ đẹp này tới bè bạn quốc tế. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với các Đại sứ quán tại Hà Nội đã có sáng kiến ý nghĩa khi lần đầu tiên tổ chức chương trình  du xuân khám phá vẻ đẹp trong các hoạt động văn hóa của người Việt vào dịp Tết cổ truyền.

Đại sứ Phạm Sanh Châu - Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề UNESCO chia sẻ về các hoạt động văn hóa trong dịp Tết
Đại sứ Phạm Sanh Châu - Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề UNESCO chia sẻ về các hoạt động văn hóa trong dịp Tết

Ý nghĩa của chương trình ở đây không chỉ giới hạn ở việc các vị Đại sứ của các nước như  Nga, Italia, Hy Lạp, Kazakhstan, Indonesia, Đại sứ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam... hiểu thêm về nền văn hóa đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc trong nét sinh hoạt ngày Tết truyền thống của người Việt, mà đây còn là dịp để chúng ta những người dân Việt Nam được gặp gỡ, sẻ chia, giao lưu văn hóa, tăng cường tính hiểu biết, mỗi quan hệ bền chặt với các nước anh em, bè bạn trên thế giới.

Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết: Một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc, độc đáo đầu tiên được quảng bá và giới thiệu đến các Đại sứ là văn hóa hầu đồng tại Đền đình Đông Hạ số 30 ngõ Huế, quận Hai Bà Trưng. Đây là một tín ngưỡng quan trọng vừa được Tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại trong năm 2016; tại Đình Kim Ngân số 42 - 44 Hàng Bạc là hình ảnh quảng bá về các dòng tranh dân gian đặc sắc truyền thống ngày Tết, gồm tranh Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng; cùng với đó là những chia sẻ của các nghệ nhân với các Đại sứ về cách trồng, chăm sóc và cắt tỉa cây hoa Thủy Tiên làm sao cho cây được đẹp và sinh động nhất,Thủy Tiên là một trong những loại hoa được người Hà Nội xưa và nay rất yêu thích để trưng bày trong dịp Tết, bởi nó mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ.

Hầu đồng một trong những hoạt động thu hút rất nhiều sự quan tâm của các vị Đại sứ
Hầu đồng một trong những hoạt động thu hút rất nhiều sự quan tâm của các vị Đại sứ

Cũng trong chuyến hành trình của chuyến du xuân các vị Đại sứ sẽ được khám phá, tìm hiểu về nét đẹp của tục gói bánh chưng, một phong tục truyền thống lâu đời từ nền văn minh lúa nếp đời vua Hùng Vương thứ 18; giới thiệu về những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo để có thể tạo lên những chiếc bánh chưng thật vuông, thật đẹp và thật chặt. Bên cạnh đó, tục xin chữ thầy đồ truyền thống đầu năm cũng được Ban Quản lý Phố cổ giới thiệu đến đông đảo các vị Đại sứ, tục xin chữ có thể là câu đối hoặc một chữ duy nhất, với người Việt việc xin chữ là ước vọng hướng về một năm con cháu được học hành thành đạt, gia đình được ấm lo, hạnh phúc…

Đại sứ Nga Vnukov Konstantin cho biết: Tôi đã từng nghe nói về những ngày Tết tại Việt Nam qua các phương tiện truyền thông báo đài, internet. Nhưng có lẽ phải sang đây công tác, mới cảm nhận được hết vẻ đẹp văn hoá trong ngày Tết của người Việt. Khi tham gia chương trình với các vị Đại sứ các nước, hầu hết trong chúng tôi đều có chung một cảm nhận là chuyến đi này hết sức thú vị và bổ ích, thậm chí có thể nói là còn bị chinh phục bởi những món ăn tuyệt vời như bánh chưng, thịt đông, giò lụa... trong mâm cỗ Tết, bởi những nét văn hóa đa dạng, nhưng rất độc đáo của các bạn.

Đại sứ Nga Vnukov Konstantin cùng với phu nhân bên chữ phúc được tặng
Đại sứ Nga Vnukov Konstantin cùng với phu nhân bên chữ phúc được tặng

Thông qua việc khám phá các hoạt động văn hóa tại các khu vực phố cổ Hà Nội chúng tôi thêm hiểu về văn hóa ngày Tết đặc sắc của đất nước và con người Việt Nam, hiểu thêm những giá trị phi vật thể truyền thống mà giờ đây không chỉ của riêng người Việt Nam mà của toàn nhân loại như Di sản phi vật thể hầu đồng là một ví dụ. Có lẽ đối với người dân đất Việt, Tết không chị là là dịp để quây quần sum họp bên gia đình, người thân mà còn là thời điểm để bảo tồn bản sắc dân tộc qua việc duy trì những phong tục cổ truyền như thế này.

“Ngoài ra trong chuyến hành trình văn hóa đầu năm nhiều ý nghĩa này tôi cũng không quên xin cho mình và gia đình một chữ Phúc của thầy đồ trong Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội. Chữ phúc ở đây có nghĩa là hạnh phúc và chữ này sẽ là biểu tượng trong suốt năm Đinh Dậu 2017 của tôi tại Việt Nam. Cầu chúc và hy vong trong năm mới người dân Việt Nam, người dân Nga và người dân trên toàn thế giới sẽ có một năm với nhiều điều binh an, hạnh phúc và may mắn” - Đại sứ Nga Vnukov Konstantin vui vẻ chia sẻ.

Huy An


 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các Đại sứ khám phá vẻ đẹp độc đáo "Tết Việt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO