Binh Dương: Nỗ lực thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

01/11/2016 00:00

(TN&MT) - Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã và đang phối hợp tích cực với các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ...

 

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Binh Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã và đang phối hợp tích cực với các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bình Dương đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi  thường, hỗ trợ và tái định cư của các công trình trọng điểm
Bình Dương đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các công trình trọng điểm

Kết quả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, qua số liệu theo dõi và rà soát, đến nay trên toàn tỉnh Bình Dương có 159 công trình. Trong đó có 139 công trình đã được phê duyệt với tổng kinh phí là 6.295,16 tỷ đồng, còn lại 20 công trình chưa được phê duyệt phương án bồi thường do đang trong giai đoạn thực hiện công tác xác định giá đất cụ thể, đo đạc, kiểm đếm, áp giá, lập phương án bồi thường.

Trong tổng số 159 công trình đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 59/314 công trình thuộc diện thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa theo danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 44/NQ-HĐND8 ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh Bình Dương và còn lại 100 công trình được chuyển tiếp từ những năm trước sang.

Và 255/314 công trình thuộc diện thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa theo danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 44/NQ-HĐND8 chưa triển khai thực hiện, phần lớn là các công trình có vốn ngân sách cấp huyện; do chưa được bố trí vốn, một số công trình chủ đầu tư chưa triển khai, một số công trình có điều chỉnh thiết kế và một số công trình đang trong quá trình lập dự án đầu tư.

Đơn cử, trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một hiện có 40 công trình với tổng kinh phí đã được phê duyệt là 1.923,26 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Dương đã tiến hành tiền bồi thường, hỗ trợ cho 18 công trình với 464 hồ sơ và tổng số tiền là 179,14 tỷ đồng.

Trong đó, đã chi trả cho 03 công trình với 26 hồ sơ và vốn ngân sách tỉnh là 48,87 tỷ đồng, 15 công trình với 438 hồ sơ và vốn ngân sách địa phương với số tiền 130,27 tỷ đồng. Chi nhánh Trung tâm cũng đã bồi thường, giải tỏa và đã bàn giao mặt bằng cho 08 công trình, giải quyết hơn 82 đơn của người dân chủ yếu tập trung vào đơn giá đất, công trình trên đất và quy trình bồi thường, hỗ trợ.

Ngoài ra, cũng có một số người dân chưa hiểu về các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dù Chi nhánh Trung tâm đã có văn bản trả lời và đã phối hợp với địa phương vận động, giải thích nhiều lần, nhưng các hộ dân vẫn không hợp tác dẫn đến phải lập hồ sơ cưỡng chế 23 hộ của 07 công trình.

Đối với 26 công trình hiện có trên địa bàn thị xã Thuận An với tổng kinh phí đã được phê duyệt là 664,54 tỷ đồng, trong 09 tháng đầu năm 2016, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Dương đã tổ chức chi trả được 354 hồ sơ với số tiền là 240,349 tỷ.

Theo đó, đối với công trình Giải phóng mặt bằng đường ĐT-743 đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt dự án đầu tư, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã phối hợp với Ban Quản lý dự án tỉnh nhận mốc giải phóng mặt bằng đoạn qua thị xã Thuận An.

Hiện đang triển khai họp dân để tiến hành đo đạc và cùng đơn vị tư vấn với địa phương tiến hành khảo sát để xác định giá đất cụ thể. Trung tâm cũng đã lập xong dự án bồi thường công trình Nâng cấp, cải tạo các nút giao trên Quốc lộ 13. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định để trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.

Còn trên địa bàn thị xã Dĩ An hiện có 28 công trình, trong đó có 22 công trình đã được phê duyệt phương án với tổng kinh phí là 2.245,92 tỷ đồng. Trong 09 tháng đầu năm 2016, địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các công trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt là các công trình trọng điểm.

Cụ thể, tổ chức triển khai kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện 03 công trình; áp giá 152 hồ sơ của 11 công trình, tổ chức chi tiền bồi thường, hỗ trợ 07 công trình cho 126 hộ với tổng số tiền là 81,841 tỷ đồng.

Riêng công trình Giải phóng mặt bằng đường ĐT-743, Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Dương đã phối hợp với Ban quản lý dự án và Công ty Becamex nhận bàn giao mốc giải phóng mặt bằng được 9,7 km, còn lại 2,3 km chưa nhận, đang triển khai họp dân để tiến hành đo đạc và cùng đơn vị tư vấn với địa phương tiến hành khảo sát để xác định giá đất cụ thể đối với đoạn đã nhận mốc.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương nhận định: Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên Môi trường nói chung và Trung tâm Phát triển quỹ đất nói riêng đã chịu nhiều áp lực do khối lượng công việc khá lớn. Mặt khác, do Trung tâm mới đi vào hoạt động một cấp từ đầu năm 2016 cho nên ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Dương cũng như các Chi nhánh còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động do việc thanh toán kinh phí 2% giá trị hợp đồng theo thỏa thuận không được cơ quan tài chính chấp thuận, mà chỉ được thanh toán căn cứ vào chi phí thực tế phát sinh được quy định tại Điều 4, Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/05/2015 của Bộ Tài chính. Trụ sở làm việc, cơ sở vật chất của Trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế công việc đặt ra.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương, sự phối hợp của UBND các huyện, thị và thành phố nên công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên toàn tỉnh, nhìn chung có bước chuyển biến tích cực. Cụ thể, đối với 20 công trình chưa được phê duyệt phương án bồi thường vẫn đảm bảo tiến độ thực hiện theo hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, đa số các công trình đã cơ bản được trình phê duyệt và tiếp tục triển khai các bước theo đúng trình tự.

Bình Dương hiện có nhiều khu nhà ở phục vụ an sinh xã hội
Bình Dương hiện có nhiều khu nhà ở phục vụ an sinh xã hội

Giải pháp tháo gỡ

Theo nhận xét của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, cùng với những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần được nhanh chóng tháo gỡ, bởi trong quá trình lập phương án bồi thường, chủ đầu tư chậm bàn giao mốc giải phóng mặt bằng. Việc xác định giá đất cụ thể giữa các khu vực giáp ranh chưa thống nhất nên có sự chênh lệch giá giữa khu vực giáp ranh của các địa phương, từ đó các hộ có đất bị thu hồi ở khu vực giáp ranh thường xuyên có kiến nghị về đơn giá.

Song song đó, trong quá trình chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, một số hộ dân không đồng ý nhận tiền, do kiến nghị về đơn giá, chính sách bồi thường, hỗ trợ theo phương án đã phê duyệt, dù đã được giải thích, vận động nhiều lần, nhưng các hộ dân vẫn không đồng ý nhận tiền. Một số công trình, chủ đầu tư chậm chuyển vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Một số hộ dân đã đồng ý nhận tiền, tuy nhiên khi có thư mời nhận tiền bồi thường thì thay đổi ý không đến nhận…

Để nhanh chóng tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: Tiếp tục đẩy nhanh và hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường đối với các công trình đã được phê duyệt phương án bồi thường; tăng cường tháo gở vướng mắc, đẩy nhanh việc áp giá và trình phê duyệt phê duyệt phương án bồi thường.

Tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 13 công trình trọng điểm của tỉnh Bình Dương. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, khuyến khích cộng đồng tham gia vào dự án giải phóng mặt bằng, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Quán triệt nguyên tắc công khai và dân chủ các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, để mọi đối tượng liên quan đều biết, thống nhất, tránh so bì thắc mắc và có những suy nghĩ, hành động tiêu cực.

Thường xuyên rà soát, thống kê các công trình có vốn ngân sách mà chủ đầu tư chậm chuyển vốn, báo cáo UBND tỉnh Bình Dương xem xét, chỉ đạo thực hiện. Phối hợp với các Sở ngành quy định rõ thêm dự án nào có khu tái định cư và quy trình thẩm định kế hoạch tái định cư cụ thể giúp cho người bị thu hồi đất không thiệt thòi và ổn định cuộc sống sau khi giải toả. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác vận động quần chúng như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Chuẩn bị các điều kiện, tiền đề cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như: Rà soát, tổng hợp danh mục các công trình dự kiến thực hiện trong năm 2017 để có cơ sở trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, hạn chế việc tạm ngưng các công trình do không có trong danh mục thu hồi đất; xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2017, dự toán kinh phí hoạt động năm 2017 để trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

Tiếp tục tăng cường củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất; luân chuyển, bố trí, sắp xếp nhân sự phù hợp với vị trí việc làm cũng như đặc thù của từng bộ phận chuyên môn. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo chỉ đạo tập trung thống nhất, nâng cao trình độ cán bộ; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi thường và công tác quản lý. Tích cực, chủ động tham mưu cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo kinh phí hoạt động của Trung tâm và Chi nhánh.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cũng kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở Tài chính sớm điều chỉnh Điều 4, Quyết định 53/2015/QĐ-UBND để Trung tâm Phát triển quỹ đất được ứng trước 30% tổng kinh phí phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư…

Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Binh Dương: Nỗ lực thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO