Xã hội

Bình Định: Chú trọng nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

Thanh Tùng 23/10/2023 - 10:45

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Bình Định đã từng bước phát triển; kết cấu hạ tầng dần được được hoàn thiện. Tỉnh Bình Định đang tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-4%/năm.

Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư

Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện; diện tích tự nhiên chiếm 48,4% so diện tích tự nhiên của tỉnh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 11.491 hộ/41.903 đồng bào DTTS, chiếm khoảng 2,65% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, H'rê. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS so với số hộ đồng bào DTTS cuối năm 2022 là 6.291 hộ, chiếm 54,75%.

Hiện nay, tỉnh Bình Định đang thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Giảm nghèo bền vững. Những năm qua, tỉnh Bình Định đã chú trọng việc đẩy mạnh lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, vốn ngân sách Trung ương, bao gồm vốn đầu tư phát triển đầu tư cho Bình Định là hơn 1.268 tỷ đồng; vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương được giao theo từng năm. Vốn ngân sách tỉnh đối ứng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 200 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp được giao theo từng năm.

Riêng trong giai đoạn 2021 - 2023, vốn ngân sách Trung ương giao cho Bình Định bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 642,223 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 433,770 tỷ đồng. Vốn ngân sách tỉnh đối ứng gồm: Vốn đầu tư phát triển 159,537 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 51,573 tỷ đồng.

Về tình hình giải ngân vốn năm 2023 (bao gồm vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 và vốn năm 2023), tỉnh Bình Định được giao thực hiện hơn 948,884 tỷ đồng (trong đó: Vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 tiếp tục thực hiện hơn 225,988 tỷ đồng; vốn năm 2023 hơn 722,895 triệu đồng).

anh-1(1).jpg
Kết cấu hạ tầng khu vực miền núi Bình Định từng bước được hoàn thiện. Ảnh: L.Phương

Đến thời điểm tháng 8/2023, tổng vốn đã giải ngân hơn 221,427 tỷ đồng/948,884,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,34% kế hoạch. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt tỷ lệ 25,56%; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt tỷ lệ 17,19%; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ 29,77%.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Định, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hằng năm từ 3 - 4%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 90% tỷ lệ trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 95% tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70% tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.

Cùng với đó, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo việc làm cho khoảng 28.500 lao động (trong đó xuất khẩu lao động 700 người). Tỷ lệ nghèo đa chiều bình quân toàn tỉnh năm 2023 giảm còn 7,24%, giảm 1,8% so với tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022, với 7.928 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Nhờ được quan tâm đầu tư, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định trong những năm qua đã từng bước phát triển; kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng khu vực. Tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS cuối năm 2022 đã giảm 592 hộ so với năm 2021; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm xây dựng, nhiều thôn, làng và gia đình người DTTS được công nhận là đơn vị văn hóa và gia đình văn hoá; những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 6.066,4km2. Toàn tỉnh có 8 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố với 159 xã, phường, thị trấn; có 440.590 hộ/1.580.419 người (số liệu điều tra hộ nghèo cuối năm 2022); tỷ lệ nghèo đa chiều 9,04% với 39.827 hộ, trong đó tổng số hộ nghèo 19.805 hộ, chiếm tỷ lệ 4,5% và tổng số hộ cận nghèo 20.022 hộ, chiếm tỷ lệ 4,54%.

Có thể khẳng định, những chính sách đầu tư đúng đắn cho bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định những năm qua đã củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được đảm bảo, thế trận quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh Bình Định vẫn ở mức cao. Do vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển kém, điểm xuất phát thấp,... nên nguy cơ tái nghèo còn cao.

Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh Bình Định là tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là người có công, người nghèo, đồng bào DTTS và miền núi, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Trong đó, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020 (khoảng 60 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3-4%; phấn đấu 40-50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (khoảng 10 xã và 4 thôn).

anh-2.jpg
Đời sống người dân vùng đồng bào DTTS Bình Định được cải thiện. Ảnh: T.Nhân

Để làm được điều này, trong thời gian tới, địa phương cũng đề ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và người dân hiểu đầy đủ về bản chất nhân văn của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi. Phát huy các truyền thống nhân văn, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đặc biệt, tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân các nguồn vốn thức hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Mới đây, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021-2025, đã có yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn này.

Cụ thể, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện cụ thể từng chương trình, dự án, tiểu dự án, ưu tiên cao nhất là giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đối ứng (bao gồm vốn đầu tư và sự nghiệp) theo kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài và năm 2023. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh nếu không đảm bảo tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn theo kế hoạch đề ra. Phải xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị, thủ trưởng đơn vị trong năm 2023.

Tính đến cuối năm 2022, số lượng hộ nghèo và cận nghèo của Bình Định là 39.027 hộ, tỷ lệ nghèo đa chiều là 9,04%. Tỉnh Bình Định đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2023, tạo việc làm cho 28.500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động đạt khoảng 700 người. Tỷ lệ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 18,21%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 62%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1,8%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Chú trọng nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO