Biển Đông và sức mạnh báo chí

21/06/2014 00:00

Báo chí là kết tinh của dư luận, là lòng dân nên nó có sức mạnh xoay chuyển cả thời cuộc, thất bại cả một mưu đồ...

   
Khi dư luận là  biểu hiện của lòng dân thì nó có sức mạnh ghê gớm. Báo chí là kết tinh của dư luận, là lòng dân nên nó có sức mạnh xoay chuyển cả thời cuộc, thất bại cả một mưu đồ. Có thể lấy tình hình ở biển Đông, Trung quốc luôn thất bại hết từ mưu đồ nọ đến mưu đồ kia làm dẫn chứng khi bàn đến vấn đề này, nhân ngày 21-6, ngày báo chí Cách Mạng Việt Nam.
   
   
  Biển Đông, một vùng biển nhỏ so với đại dương bao la xưa nay vẫn là nơi làm ăn kiếm sống của dân cư một số quốc gia như Việt Nam, Philipinner, Inđônêsia, Malaisia, Brunei vùng Đông Nam Á và cả nhân dân Trung Quốc. Không khí từ thời xa xưa của biển Đông là hữu nghị, hòa bình, hợp tác, kể cả quản lý và khai thác tài nguyên biển, chưa bao giờ là điểm nóng thu hút sự chú ý của thế giới. Nhưng rồi giao thông vận tải phát triển, vận tải biển và vận tải hàng không qua biển Đông trở thành con đường huyết mạch, chiếm tới 40% nhu cầu vận chuyển trong khu vực của hàng chục nước. 
   
  Nguồn năng lượng, nhất là năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt trong khi đáy biển Đông chứa tới hàng chục tỷ tấn dầu và khí. Dân số ngày càng tăng, nguồn lương thực,thực phẩm ngày càng thiếu gay gắt trong khi biển Đông là vùng biển ấm,không bị đóng băng, động thực vật biển  vô cùng phong phú, phát triển quanh năm, đánh bắt dễ dàng. Chưa kể những lợi ích về mặt địa chính trị, quân sự trong một thế giới hiện đại, những nguồn lợi đó khiến cho một số nước trong đó nổi lên hàng đầu là Trung Quốc- một nước lớn, dân đông, kinh tế đang phát triển- có ý đồ bành chướng, độc chiếm biển Đông bằng mọi cách.
   
  Để độc chiếm được biển Đông, Trung Quốc tìm mọi lý lẽ từ trong lịch sử, trong các văn bản đương đại, trong quản lý trên thực địa… nhưng không có lý lẽ nào đứng vững, căn cứ về công ước Liên hợp quốc 1982 (UNLOCC), theo luật pháp và thông lệ quốc tế. Họ đưa ra chứng cứ từ thời Tam Quốc cách đây hơn 2.000 năm trong cuốn sách Nam Châu Dị vật chí của Vạn Chấn và nhiều cuốn sách sau đó có nói đến hai quần đảo nhưng ngay cả đến các thư tịch cổ này cũng chỉ là những hiểu biết chung chung, những chỉ dẫn thám hiểm sơ sài về hai quần đảo trên biển Đông, không biết có phải là Hoàng Sa và Trường Sa không và tuyệt nhiên không thể chứng minh được quyền quản lý, chiếm hữu của Trung Quốc về các hòn đảo này trong lịch sử.

  Về bản đồ, trong tất cả các bản đồ cổ, do Trung Quốc và nước khác in, không có bản đồ nào xác nhận biển và đất của Trung Quốc là phần biển, đảo thuộc vùng biển phía dưới đảo Hải Nam ngày nay. Không chỉ thế, nhiều bản đồ do chính quyền các triều đại của Trung Quốc xuất bản còn công nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trên biển Giao Chỉ và thuộc quyền quản lý của Giao Chỉ.

  Về sự thừa nhận của quốc tế, năm 1951, tại hội nghị San Franxitco sau đại chiến thứ 2, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng nước Việt Nam Cộng Hòa đã tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam trước 51 nước dự họp, không nước nào phản đối.

  Gần đây, để thực hiện ý đồ chiếm biển Đông, Trung Quốc đưa ra và trình Liên Hợp Quốc một bản đồ có đường 9 đoạn ( vẫn gọi là đường lưỡi bò) chiếm đến 80% diện tích biển đông, ngang ngược xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước khác vùng Đông Nam Á. Gốc của bản đồ này nguyên có 11 đoạn sau đó bỏ đi 2 đoạn, do một người nào đó vẽ, chính quyền Đài Loan phát hành. Đường 9 đoạn này rất tùy tiện thêm bớt, không có kinh độ vĩ độ rõ ràng, không có căn cứ pháp lý nào, bị nhiều chuyên gia và tổ chức trên thế giới đồng loạt phản đối.

  Bí về lý lẽ, giới cầm quyền Trung Quốc hung hăng dùng vũ lực lấn chiếm để từ không tranh chấp thành có tranh chấp, từ biển đáo của nước ngoài thành nơi có quân đội, người, công trình của Trung Quốc trên thực địa. Hiện nay, Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, bảy bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa, xây dựng lên ở đó nhiều công trình, đường băng; thành lập đặc khu hành chính và thành phố Tam Sa, tổ chức du lịch ra Hoàng Sa, cấm đánh cá trên vùng chủ quyền của nước khác:  đe dọa, quấy rối, đánh đập ngư dân làm nghề trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vv… Gần đây nhất, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của biển Việt Nam, kéo tiếp giàn khoan Nam Hải-01 tương tự như Hải Dương- 981 về phía biển Việt Nam…
   


  Trước một láng giềng như Trung Quốc, theo kinh nghiệm của cha ông, phải kiên quyết nhưng mềm dẻo, linh hoạt, trước hết để nhân dân hiểu và ủng hộ. Việc đó, có thể nhiều lực lượng làm, nhưng không đâu bằng báo chí.

  Báo chí nước ta, có điều này điều nọ nhưng luôn trung thành, đáng tin cậy. Từ ngày có báo tiếng Việt đến nay, chưa nói báo chí cách mạng, đến ngay báo chí không phải của những người cộng sản cũng luôn trung thành với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Từ ngày có Đảng, luôn trung thành với lợi ích của Đảng, một tổ chức luôn lấy giai cấp và dân tộc làm mục đích tồn tại. Sinh ra trong một đất nước luôn phải giữ nước, báo chí Việt Nam thấm đẫm truyền thống yêu nước của nhân dân, liên thông với tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến độc lập, chủ quyền dân tộc.

  Việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Tổ quốc là động chạm đến phần nhạy cảm, dễ nhất trí nhất trong các phóng viên, biên tập viên. Ngay từ khi chưa chuyển hướng, cuộc đấu tranh về chủ quyền biển, đảo trên biển Đông  còn chưa ra công khai trên báo chí, nhiều tờ báo đã bằng cách này học cách khác nuôi dưỡng ý thức thường trực về chủ quyền biển đảo trong công chúng. Các phong trào “góp đá xây dựng Trường Sa”, “ nghĩa tình dảo nhỏ”, “lo nước ngọt cho Trường Sa”… đã được sự hưởng ứng của hàng triệu con người. Báo chí cũng là sợi dây nối liền đảo xa với đất liền, làm ấm lòng biết bao chiến sĩ và gia đình họ. Hình ảnh thường xuyên trên truyền hình, phát thanh và các báo về cuộc sống trên các đảo nổi, đảo chìm đã khiến tình cảm của người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài gần gũi, gắn bó hơn với phần đất đai của Tổ quốc giữa trùng khơi.
   
  Sức mạnh của báo chí càng rõ hơn từ ngày Trung Quốc lợi dụng sự im lặng biết điều để lấn tới. Như một khối thuốc nổ, từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của ta, báo chí đồng loạt ra quân. Hàng ngày, hàng trăm tin, bài bằng rất nhiều thể loại, loại hình báo chí các báo, đài đã phản ảnh những thông tin nóng hổi từ hiện trường, các cuộc mít tinh, hội thảo; các cuộc triển lãm với những chứng cứ đanh thép trực quan, những phát biểu của quần chúng thể hiện lòng yêu nước bình tĩnh, tỉnh táo và nguyện vọng tha thiết hòa bình của nhân dân ta. Chính tiếng nói của báo chí đã góp thêm một phần sức mạnh khiến đối phương lúng túng, khiếp sợ và bè bạn trên thế giới hiểu ta, thông cảm với ta hơn, điều mà trước đây rất hạn chế.

  Nhưng âm mưu của đối phương là lợi dụng sức mạnh tàu thuyền, máy bay, lợi dụng hai quần đảo là nơi rất thưa hoặc không có dân để tạo sự đã rồi. Có thể Trung Quốc sẽ xâm phạm trái phép biển Đông năm này qua năm khác; có thể họ tiếp tục lấn tới cho đến lúc báo chí nếu không đổi mới nghiệp vụ sẽ khiến công chúng nhàm chán, dư luận thế giới không còn sốt sắng như những ngày qua. Cho  nên ngay từ giờ hãy chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ bằng mọi phương pháp khéo léo, linh hoạt, bền bỉ của mình.

  Hàng nghìn năm nay, chúng ta vẫn phải làm láng giềng của họ, dân ta với dân họ tắt lửa tối đèn có nhau, nhưng các triều đại thống trị của họ, chưa khi nào hết nhòm ngó, kiềm chế ta. Vậy bằng cách gì, cụ thể như thế nào, cha ông ta vẫn giữ được độc lập tự do, toàn vẹn núi sông như ngày nay, đó là điều cần tìm hiểu sâu sắc, kỹ lưỡng hơn. Cuộc đấu tranh vừa rồi, toàn dân tộc ta, trong đó có báo chí đã bước đầu thắng lợi, nhưng cuộc đấu trí, đấu lực còn dài, báo chí đã làm gì, còn làm được những gì, cũng cần suy nghĩ.  Chưa bao giờ nước ta không chiến thắng ngoại xâm. Chưa bao giờ báo chí không là một sức mạnh mền trong mọi chiến công. Đó là điều giúp ta  vững hơn niềm tin, mà mọi chiến thắng trước hết, bắt đầu từ niềm tin./.
   
PGS.TS  Nhà báo Vũ Duy Thông
Tổng Biên tập Báo điện tử Tầm Nhìn
(Theo Tamnhin.net) 
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biển Đông và sức mạnh báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO