Biến đổi khí hậu làm chậm đà tăng trưởng của đô thị
(TN&MT) - BĐKH là yếu tố đe dọa chính tới hạ tầng đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân. Theo Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia, các đô thị được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề hơn do sự gia tăng cường độ, tần suất và mức độ thiên tai.
Hạ tầng chịu tác động mạnh mẽ
Cả nước có gần 900 đô thị với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước. Các loại hình đô thị bao gồm: khu công nghiệp, khu kinh tế, các thành phố ở các vùng địa lý khác nhau từ Bắc đến Nam và các địa hình khác nhau (ven biển, trung du, miền núi và đồng bằng).
Xây dựng đô thị Việt Nam có năng lực chống chịu, ứng phó BĐKH là một trong những nhiệm vụ được đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các chuyên gia nhận định, BĐKH và phát triển đô thị liên quan chặt chẽ với nhau và thường tương tác theo hướng tiêu cực. Phát triển đô thị nhanh chóng tác động mạnh đến tự nhiên và tăng tần suất, cấp độ của thiên tai. Sự phát triển mạnh của đô thị, sử dụng năng lượng và xây dựng hạ tầng, nhà cao tầng mật độ cao… đều biến các thành phố thành nơi tiêu thụ năng lượng và tạo ra nhiều chất ô nhiễm. Khi mặt đất dần bị “bê tông hóa”, các khoảng không gian bị chiếm mất, khả năng thẩm thấu nước của đô thị trong trường hợp có mưa lớn sẽ suy giảm. Sự mất mát của các khu vực thu nước để dành đất cho xây dựng khiến các khu đô thị hiện hữu và các khu mới được quy hoạch tăng khả năng bị ngập lụt do mưa lớn.
Tùy từng loại hình, các đô thị phân bổ ở phía Tây và các lưu vực sông chính sẽ chịu tác động của lũ và ngập lụt. Theo Bộ TN&MT, các thành phố tại khu vực ven biển dễ bị tổn thương bởi thiên tai liên quan đến bão lụt và nước biển dâng, làm tăng rủi ro đối với tài sản, sinh kế và hạ tầng. Đô thị ven biển và thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ chịu tác động chủ yếu của nước biển dâng. Khu vực từ phía Bắc tới Nam Trung Bộ đều dễ chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão. Trong khi đó, đô thị miền núi thường chịu tác động từ hoàn lưu sau bão gây lũ, lũ quét và sạt lở đất.
Trong các đô thị, hệ thống xử lý chất thải rắn và hệ thống cấp, thoát nước đô thị là những đối tượng trọng tâm chịu tác động từ BĐKH. Lượng mưa gia tăng sẽ gây nguy cơ ngập lụt các điểm lưu giữ, các tuyến thu gom, vận chuyển, trung chuyển, làm gián đoạn quá trình xử lý chất thải rắn tại một số thời điểm. BĐKH cũng tác động tới nguồn cấp nước (nước mặt, nước ngầm) và hệ thống cấp nước bao gồm các công trình đầu mối và mạng lưới cấp nước.
Hệ thống cấp nước các đô thị vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chịu mức độ tác động từ trung bình đến cao tùy thuộc vị trí và khoảng cách các đô thị đến biển. Càng gần biển, hệ thống cấp nước, thoát nước càng chịu tác động rõ hơn. Ngoài ra, tác động BĐKH đến đô thị như hạn hán, mưa lũ cũng ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước đô thị. Qua đánh giá của các cơ quan chuyên môn, năng lực thích ứng của hệ thống cấp nước đô thị phần lớn ở mức trung bình và thấp trước tác động BĐKH.
Thích ứng với BĐKH là quá trình liên tục
PGS. TS. KTS Đỗ Tú Lan - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng nhận định, không thể nói đến phát triển bền vững khi không có các biện pháp hữu hiệu để phòng tránh, hoặc ứng phó với các tác động của BĐKH. Điển hình, các đô thị ven biển Việt Nam hiện đang phát triển khá nóng, với sự tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cảng biển, các khu du lịch trung, cao cấp khắp từ Bắc vào Nam. Bên cạnh mặt tích cực đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, cần nhìn thẳng vào những vấn đề tồn tại hiện nay. Các đô thị tập trung dành quỹ đất để đầu tư các cơ sở du lịch như khách sạn, khu nghỉ dưỡng dày đặc. Việc đầu tư dàn trải nên hạ tầng kỹ thuật đô thị không được đồng bộ và đầy đủ. Chưa có biện pháp tốt ứng phó BĐKH, do đó trong thời gian qua đã phải chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ, do BĐKH...
Không nói đâu xa, các đô thị tại ĐBSCL đang chịu tác động nghiêm trọng từ sạt lở bờ sông, bờ biển. Tại TP. Cần Thơ, diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng. Các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các kênh rạch có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông cong, các cửa phân lưu, nhập lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều… có nguy cơ sạt lở cao, gây thiệt hại về sinh mạng, mất đất, nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng xây dựng hai bên bờ sông, kênh, rạch.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các giải pháp ứng phó BÐKH, thành phố vẫn còn gặp một số khó khăn do các chính sách về ứng phó BÐKH cơ bản phù hợp và đầy đủ; trong khi BÐKH tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Điều này dẫn đến quá trình thực hiện còn lúng túng, bị động. Việc lồng ghép ứng phó BÐKH trong các chiến lược, quy hoạch chưa mang hiệu quả cao; sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ… Đây cũng là vấn đề chung của phần lớn các địa phương hiện nay.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Việt Dũng - Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - VIUP, không có quy định chung nào cho quá trình quy hoạch thích ứng với BĐKH. Bối cảnh của mỗi thành phố, địa phương khác nhau: từ điều kiện tự nhiên, khí hậu, cơ sở hạ tầng, đặc điểm hệ sinh thái, năng lực và mô hình phát triển đô thị, kinh tế - xã hội. Các yếu tố này quyết định mức độ tổn thương trước BĐKH. Các biện pháp cần thiết để quy hoạch thích ứng với BĐKH sẽ khác nhau tùy theo khu vực.
Thích ứng với BĐKH là một quá trình liên tục, không bao giờ kết thúc cho đến khi khí hậu ổn định. Thích ứng không phải là một vấn đề có thể được "giải quyết", mà đó là một quá trình liên tục điều chỉnh và cải thiện thực hành dựa trên học hỏi từ kinh nghiệm. Đây là những vấn đề địa phương cần chú ý khi tìm kiếm các giải pháp phù hợp với đô thị của mình.