Đầu tư - Tài chính

Việt Nam quyết tâm cao đạt mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025

Minh Long thực hiện 06/09/2024 - 14:59

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán.

ubck.jpg
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế UBCKNN

Thưa ông,để thu hút thêm dòng vốn toàn cầu vào Việt Nam thì việc nâng hạng thị trường chứng khoán(TTCK) là mục tiêu quan trọng nhất hiện nay vì chính sách của nhiều công quản lý quỹ quốc tế là không đầu tư vào thị trường cận biên. Vậy ông có thể chia sẻ Việt Nam cần phải làm gì và có giải pháp cụ thể nào để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường nhanh nhất trong thời gian tới theo khuyến cáo của MSCI trong Diễn đàn đầu tư của Việt Nam tại Singapore tháng 8 vừa qua?

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN đã, đang khẩn trương rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý để từng bước gỡ các nút thắt trong việc xem xét nâng hạng theo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế. Cụ thể: về pháp lý, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tích cực làm việc với các thành viên thị trường, các tổ chức trong và ngoài nước để đề ra giải pháp khả thi đối với những vướng mắc chính trong việc xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi thông qua dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 04. Thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin nhằm sửa đổi 2 quy định về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đến nay, UBCKNN đang hoàn thiện dự thảo Thông tư 04. Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo Thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao.

Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tiếp tục làm việc với bộ ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng,như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản; cập nhật và công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nhà nước tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Tài chính, UBCKNN cũng đã tích cực chủ động làm việc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn nhằm chuyển tải thông tin về chủ trương, định hướng và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường; tăng cường phối hợp với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để giải đáp thắc mắc và ghi nhận, tháo gỡ các khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam; thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm tăng cường hình ảnh của TTCK Việt Nam với cộng đồng đầu tư toàn cầu, các nhà đầu tư tổ chức lớn trên thế giới.

Mặt khác cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi, phối hợp và trao đổi với các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký để các thành viên thị trường cập nhật thông tin mới nhất về việc sửa đổi khung pháp lý nhằm hỗ trợ các thành viên thị trường có sự chủ động để chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống kết nối, hệ thống vận hành, nguồn lực về vốn và các giải pháp quản trị phù hợp khi các văn bản pháp lý được ban hành và đưa vào triển khai thực hiện.

Với hàng loạt các giải pháp trên, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý đã đặt quyết tâm cao trong việc cải thiện các yếu tố cần thiết để đạt được mục tiêu nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi vào năm 2025.

Để thúc đẩy dòng vốn xanh chảy vào Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có những giải pháp nào trong thời gian qua và sắp tới?

Kể từ năm 2012, UBCKNN đã phối hợp với các cơ quan Bộ ngành tham gia xây dựng các văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững tại Việt Nam.

Nhiều văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững đã được ban hành tạo tiền đề và thúc đẩy sự phát triển của trái phiếu xanh tại Việt Nam như: Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định về phát hành đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán; Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP; Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 16/11/2020 thay thế Thông tư số 155/2015/TT-BTC tiếp tục có những bước cải thiện hơn nữa khi nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Trong đó, yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp tại báo cáo thường niên (ngoại trừ những công ty trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm).

Năm 2021, UBCKNN đã ban hành Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững. Tháng 8/2023, UBCKNN đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ra mắt Sổ tay Hướng dẫn Báo cáo phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, UBCKNN đã phối hợp với các đối tác quốc tế như Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, Đại sứ quán Anh, Nhóm công tác Thị trường Vốn ACMF triển khai nhiều hoạt động đào tạo, hội thảo với các chủ đề về công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững theo các khuôn khổ TCFD, công bố thông tin cho trái phiếu xanh, Bộ tiêu chuẩn công bố thông tin về tính bền vững IFRS S1 và IFRS S2 của Hội đồng tiêu chuẩn bền vững toàn cầu ISSB; Báo cáo kiểm kê khí phát thải nhà kính.

UBCKNN cũng đã đề ra các nhóm giải pháp phát triển thị trường vốn xanh. Trong đó tập trung nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) đã được SGDCK Tp. Hồ Chí Minh đưa vào vận hành năm 2017 để phù hợp với bối cảnh phát triển bền vững trên TTCK.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, sản phẩm bao gồm trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính xanh theo Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia. Phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh như: thuế, phí nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông hành lang pháp lý nào Việt Nam cần hoàn thiện gấp để có thể khơi thông dòng vốn xanh từ các tổ chức quốc tế đã ký kết với Việt Nam như: WB, IFC (19 tỷ USD), JETP (15,5 USD cho chuyển đổi năng lượng công bằng), GFANZ (7,5 tỷ USD )..?

Với việc cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc xây dựng một khung chính sách về phát triển kinh tế xanh với các mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể tại Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, tài chính xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Điều này dẫn đến những khó khăn cho các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước trong việc đánh giá, chứng nhận, đầu tư vào các dự án xanh.

Theo chúng tôi được biết, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Quyết định Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường. Đây là văn bản mang tính quyết định trong quá trình kiện toàn khung pháp lý, cần sớm được ban hành để tạo cơ sở cho quy định của pháp luật về tài chính xanh có thể thực thi tại Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động nâng cao kiến thức và năng lực trong việc triển khai và tích hợp ESG vào quản trị, nâng cao năng lực công bố thông tin phát triển bền vững, đảm bảo tuân thủ với các yêu cầu pháp lý và thông lệ hàng đầu trong nước và quốc tế. Như vậy khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính bền vững của các doanh nghiệp sẽ được gia tăng.

Cảm ơn Ông đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam quyết tâm cao đạt mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO