Môi trường

Bảo vệ rừng ngập mặn gắn với cải thiện thu nhập cho người dân

Trung Nguyên 28/06/2024 - 17:20

(TN&MT) - Hơn 3 năm qua, tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang đã tổ chức các đội tự quản lâm nghiệp cấp ấp nhằm thực hiện bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn tại địa phương. Vừa trồng rừng, người dân vừa có thể triển khai nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây.

Trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương”, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) đã phối hợp cùng chính quyền và ban quản lý rừng thuộc các địa phương từng bước hướng dẫn cộng đồng tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Phạm vi triển khai là các khu vực thôn/ấp được giao khoán bảo vệ rừng, trong đó, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau khoảng hơn 931 ha, còn rừng Phòng hộ Tam Giang khoảng hơn 1 ha (chiếm 79% diện tích rừng BQLRPH Tam Giang trực tiếp quản lý).

mo-hinh-nuoi-vop.png
Mô hình nuôi vọp tại Cà Mau

Ngay từ năm 2021, 14 tổ tự quản lâm nghiệp cấp ấp đã được thành lập và hoạt động trên cơ sở đồng quản lý và phối hợp quản lý rừng ngập mặn có sự tham gia của cộng đồng. Mỗi tổ gồm 25 - 30 thành viên dựa trên phạm vi diện tích rừng trong cùng một khu vực và lân cận; với sự tham gia của đại diện ban quản lý rừng/vườn quốc gia, cán bộ ấp và người dân. Tổ hoạt động theo quyết định thành lập do Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau, BQL Rừng Phòng Hộ Tam Giang ban hành, có quy chế riêng và đã trở thành một phần trong kế hoạch thực hiện bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn tại địa phương. Số vụ vi phạm đã giảm đáng kể nhờ công tác tuyên truyền, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát rừng và bảo vệ phát triển rừng.

Cùng với tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, các chuyên gia đã tổ chức nhiều lớp tập huấn trực tuyến về lập bản đồ thực vật và động vật hoang dã, lập hồ sơ về các biến động, tuần tra và báo cáo về vi phạm đã được tổ chức, phổ biến nhiều tài liệu về bảo tồn động thực vật bao gồm Công ước Cites, Nghị định 06/2019, Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, đến nay, người dân đã có thể sử dụng điện thoại thông minh để thu thập thông tin về hệ sinh thái rừng ngập mặn và lập bản đồ động thực vật hoang dã trên địa bàn mình sinh sống.

1_hd-xac-dinh-chung-loai-cay.jpg
Hoạt động thu thập thông tin về loài và chất lượng cây rừng

Theo ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, sau 3 năm triển khai, việc thành lập các tổ tự quản lâm nghiệp đã góp phần hoàn thiện hệ thống phối hợp quản lý rừng ngập mặn tại địa phương. Cùng với bảo vệ rừng, nhiều nhóm nông dân cũng được tổ chức nhằm nhằm tìm hiểu các mô hình sinh kế mới và thí điểm các hoạt động sản xuất phù hợp với địa phương.

Trải qua những phần thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu, người dân phần nào cũng ý thức được vai trò của rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn là môi trường lý tưởng cho hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, nhiều mô hình có thể kết hợp nuôi trồng dưới tán rừng như: Tôm sú, Sò huyết, Ốc len, Tôm tít, Vọp… nguồn thức ăn hữu cơ từ lá cây rừng ngập mặn giúp thủy sản phát triển bền vững, đạt chuẩn thủy sản hữu cơ – ông Thức cho biết.

Việc tăng cường sự kết nối giữa cộng đồng, thành viên tổ Tự quản lâm nghiệp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau về các chính sách, luật lâm nghiệp, chính sách giao khoán đất rừng và việc thực hiện các mô hình phối hợp đồng quản lý rừng đã phát huy hiệu quả. Bước đầu đóng góp rất lớn cho quá trình thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng khả năng thích ứng cho cộng đồng dân cư địa phương trước diễn biến bất thường của thời tiết.

kho-ca-ca-mau.png
Nhiều sản phẩm khô từ các loại thủy, hải sản địa phương

Trong 3 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Trung tâm SRD, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang đã tổ chức 46 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng cho các nhóm nông dân có đất sản xuất, với sự tham gia của 1.300 lượt hộ gia đình vùng dự án tại xã Tam Giang Đông và xã Đất Mũi.

Dự án đã hỗ trợ 244 hộ thực hiện mô hình nuôi sò huyết thương phẩm, nuôi vọp, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, nuôi cua thương phẩm cho các hộ gia đình có đất sản xuất tại xã Tam Giang Đông và Đất Mũi, mỗi mô hình tương đương 10 triệu đồng; 2 bể ương tôm cho mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn tại xã Đất Mũi và xã Tam Giang Đông. Thông qua hoạt động này, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, ứng phó biến đổi khí hậu cũng được nâng cao. TNhững kết quả từ các mô hình này đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh Cà Mau. Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau quan tâm, chỉ đạo và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành, các đoàn thể, các tổ chức tại địa phương trong quá trình triển khai.

Bà Hà Cẩm Duyên, Tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến Thuỷ sản Duyên Mai cho biết: Hiện tổ hợp tác đang có 20 tổ viên chuyên thu mua cá từ các ghe đánh bắt và khai thác thuỷ sản, từ các hộ dân sản nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương. Các nguyên liệu như: tôm, cá, vọp, sò huyết… Từ đó để chế biến ra nhiều loại sản phẩm khô khác nhau. Hiện tổ hợp tác đang tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các mặt hàng sản phẩm của tổ hợp tác đến người tiêu dùng; dự án cùng chính quyền địa phương các cấp đang hỗ trợ nhiệt tình để các sản phẩm của tổ hợp tác gần hơn với người tiêu dùng.

ong-huynh-van-tuan-ap-con-mui.jpg
Ông Huỳnh Văn Tuấn (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) chia sẻ về mô hình nuôi tom sú 2 giai đoạn chống biến đổi khí hậu

Theo ông Huỳnh Văn Tuấn (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), trong vài năm trở lại đây, tôm, cua của các hộ gia đình trong ấp bị thất thu, nhiều năm cua còn mất trắng do thời tiết ngày càng bất thường. Qua các buổi tập huấn, người dân triển khai mô hình một cách bài bản dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Để tăng tính đoàn kết, hỗ trợ nhau, dự án đã họp bàn cùng nhóm sở thích chọn ra 20 hộ để thành lập tổ liên kết sản xuất để cùng hỗ trợ nhau, đúc kết được kinh nghiệm trong quá trình nuôi trồng. Đến nay, tôm ít còn chịu tác động của thời tiết, tăng tỷ lệ sống và đem lại nguồn thu ổn định cho bà con.

“Trong tương lai không xa, người dân kỳ vọng có thể thành lập các hợp tác xã sản xuất tôm sinh thái trên toàn ấp, để có thể đưa con Tôm ấp Cồn Mũi đến nhiều nơi hơn nữa, thậm chí xuất khẩu và mang lại sinh kế bền vững cho hộ gia đình” – ông Tuấn ấp ủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ rừng ngập mặn gắn với cải thiện thu nhập cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO