Tư duy dài hạn
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam” với mục tiêu đến năm 2030 công nhận khoảng 25 - 30 công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu. Đề án sẽ triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo tồn di sản địa chất và phát triển, quản lý công viên địa chất; hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo tồn, sử dụng hợp lý di sản địa chất và công viên địa chất ở Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về di sản địa chất và công viên địa chất; tăng cường hợp tác quốc tế.
Theo Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), di sản địa chất được chia thành hai nhóm: tự nhiên và nhân tạo. Di tích tự nhiên được kiến tạo trong suốt quá trình địa chất tự nhiên mà không có sự ảnh hưởng do bàn tay con người. Nhóm nhân tạo là các di sản địa chất được tạo ra bởi các hoạt động của con người như: ao, hồ chứa nước nhân tạo cho thủy điện có cảnh quan đẹp. Giám đốc La Thế Phúc - Bảo tàng Địa chất Việt Nam cho biết : nước ta hiện nay có bốn di tích địa chất được UNESCO công nhận. Đó là Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình; Công viên địa chất cao nguyên dá Đồng Văn ở tỉnh Hà Giang, Công viên địa chất Non nước tỉnh Cao Bằng. Ngoài ra, có rất nhiều di sản khác đã được đệ trình lên UNESCO, bao gồm quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), khu phức hệ sinh thái Tràng An (tỉnh Ninh Bình), hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) và Hoàng Liên - Sa Pa (tỉnh Lào Cai), công viên địa chất toàn cầu núi lửa Krông Nô (Đắk Nông).
Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng: mặc dù có những lợi ích kinh tế rõ ràng do các di tích địa chất có thể mang lại, nghiên cứu di tích địa chất nhân tạo vẫn là một vấn đề mới ở Việt Nam. Để phát triển nền kinh tế - xã hội có hiệu quả dựa trên di sản địa chất nhân tạo cần có một kế hoạch tốt ngay từ đầu khi quy hoạch các mỏ đã khai thác vào di tích địa chất với mục đích du lịch. Trong hàng ngàn mỏ khai thác ở Việt Nam, hầu như chưa lên kế hoạch để phát triển các mỏ này sau khi ngưng khai thác để trở thành một di tích địa chất.Mô hình này giúp địa phương bảo vệ và khai thác hợp lý, bền vững các mỏ khoáng sản và khoanh vùng các di sản địa chất có giá trị khoa học cao phục vụ nghiên cứu và bảo tồn cho thế hệ sau. Hiện nay, trên thế giới có hơn 120 CVĐC toàn cầu được UNESCO công nhận. Sau khi gia nhập mạng lưới, hoạt động du lịch của các nước này đều phát triển vượt bậc.
Thúc đẩy du lịch địa chất bền vững
Hai công viên địa chất toàn cầu ở Hà Giang và Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu đã thúc đẩy lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nhiều, các nhà đầu tư du lịch cũng tăng đáng kể. Các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ phát triển đã đưa doanh thu du lịch cao gấp nhiều lần so với trước…
Nghị Quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017 đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, mục tiêu năm 2020 đang hướng đến tăng gấp 1,3 - 2 lần số lượng khách du lịch hiện có. Du lịch địa chất là loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục, và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương có liên quan, đã được áp dụng từ lâu ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Công viên địa chất nổi lên như là một loại hình mới trong lĩnh vực du lịch địa chất, mở ra một kỷ nguyên mới của trách nhiệm xã hội và du lịch thân thiện với môi trường Việt Nam. Công viên địa chất thúc đẩy một mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi bật, đồng thời khuyến khích các cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Jake Brunner, Quyền trưởng đại điện IUCN Việt Nam cho biết: Sự phát triển của ngành du lịch Di sản đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế đất nước. Cộng đồng quốc tế đang ngày càng nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải bảo vệ các di sản địa chất chung của toàn nhân loại, hoặc các khu vực địa chất có giá trị khoa học, giáo dục, văn hóa và thẩm mỹ, công viên địa chất sẽ trở thành một đặc điểm phổ biến chung cho toàn khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, một số khu dự trữ sinh quyển, di sản thiên nhiên thế giới đã được công nhận về mặt giá trị tự nhiên cũng rất có tiềm năng phát triển và hưởng lợi từ du lịch địa chất.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Để khắc phục và phát huy tốt tiềm năng du lịch địa chất sinh ngành du lịch và địa chất khoáng sản cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời cần có những người biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của di sản địa chất để tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với từng địa phương mang tính đặc thù và hấp dẫn, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt, kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa du lịch địa chất phát triển đột phá, hiệu quả.