Tài nguyên

Chuyên gia UNESCO khuyến nghị xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn

Hoàng Nghĩa 10/07/2024 - 18:00

(TN&MT) - Các chuyên gia của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khuyến nghị, Lạng Sơn cần bảo vệ, phát huy giá trị hiện có của Công viên địa chất (CVĐC) gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt là khai thác đặc trưng riêng có của địa phương để xây dựng mô hình CVĐC khác biệt với các CVĐC khác.

Ngày 10/7, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Tại đây, Bà Kristin Rangnes và ông Tuncer Demir - hai chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO cho rằng, CVĐC Lạng Sơn cùng các CVĐC khác ở khu vực phía Bắc của Việt Nam cần có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển, tránh việc cạnh tranh với nhau.

UNESCO đã đưa ra yêu cầu đối với CVĐC ứng viên là phải có những giá trị nổi bật về địa chất, cảnh quan thiên nhiên, nhất là phải có điểm khác biệt so với những CVĐC khác.

20240710_083654-0-.jpg
Bà Kristin Rangnes và ông Tuncer Demir - hai chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đưa ra các khuyến nghị đối với tỉnh Lạng Sơn.
20240710_084356.jpg

Theo các chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, việc đánh giá các giá trị di sản địa chất đối với CVĐC do Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế thực hiện cho UNESCO. Báo cáo này có ý nghĩa lớn để UNESCO xem xét, công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu.

Các chuyên gia nhấn mạnh, Lạng Sơn cần đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục cộng đồng về giá trị của di sản, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay gìn giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị hiện có để đảm bảo tính bền vững, ổn định.

Chính quyền, cơ quan chức năng cần có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách tại các điểm tham quan. Đồng thời cần có sổ tay hướng dẫn, giới thiệu về những giá trị nổi bật của từng khu, điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn giúp du khách nắm được các thông tin liên quan đến di sản.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Dương Xuân Huyên cho biết, CVĐC Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021, đến năm 2023, điều chỉnh phạm vi ranh giới lên 8/11 huyện, thành phố, diện tích khoảng 4.842 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).

Ông Huyên nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng và hoạt động, tỉnh luôn nỗ lực thực hiện theo tôn chỉ mục đích và các tiêu chí của UNESCO đối với CVĐC. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, toàn diện, gắn với việc bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị di sản, tạo dựng trách nhiệm tham gia và đảm bảo lợi ích của cộng đồng, chia sẻ các mối quan hệ hợp tác, phát triển các hoạt động giáo dục và nâng cao trách nhiệm với môi trường sống.

20240710_081035.jpg
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dương Xuân Huyên, Lạng Sơn cam kết sẽ luôn tích cực quan tâm chỉ đạo, đầu tư xây dựng CVĐC Lạng Sơn đảm bảo theo tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO...

Đến nay, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực bước đầu nhưng Lạng Sơn luôn nỗ lực, cố gắng, tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển CVĐC, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO, hướng tới thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhất là nhóm mục tiêu đầu tư cho con người, môi trường và khí hậu, thịnh vượng và hợp tác, sản xuất và tiêu thụ có trách nhiệm.

“Xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn là một nhiệm vụ quan trọng được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn xác định rõ. Chúng tôi cam kết sẽ luôn tích cực quan tâm chỉ đạo, đầu tư xây dựng CVĐC Lạng Sơn đảm bảo theo tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, sớm tham gia vào mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Dương Xuân Huyên khẳng định.

20240710_100956.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn tặng quà lưu niệm cho các chuyên gia.

Trước đó, từ ngày 6 - 9/7, Đoàn chuyên gia UNESCO đã thực địa tại 26/38 điểm tham quan trên 4 tuyến du lịch CVĐC Lạng Sơn ở các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình và TP. Lạng Sơn. Đó là những địa điểm có giá trị nổi bật về di sản địa chất, truyền thống văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học và một số danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.

Dưới đây là một số hình ảnh thực địa của Đoàn chuyên gia tại Lạng Sơn:

449963105_497525492964628_6118199844044439482_n.jpg
Đoàn chuyên gia thực địa tại hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (huyện Bình Gia). Đây là di tích khảo cổ học cổ sinh quan trọng phát hiện những dấu tích của người và động vật cổ ở nước ta. Di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
450468415_498641722853005_1953648145359231610_n.jpg
Thực địa tại huyện Chi Lăng
450466792_499100499473794_4879033429276565340_n.jpg
Thực địa tại mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình
450332301_498268499556994_472794468841148505_n.jpg
Đoàn chuyên gia thực địa tại huyện Văn Quan.
20240710_101209.jpg
Lãnh đạo tỉnh, một số Sở, ngành, huyện, thành phố chụp ảnh lưu niệm với Đoàn chuyên gia UNESCO.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia UNESCO khuyến nghị xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO