Bạch Long Vỹ không còn “khát”

16/02/2018 02:08

(TNMT) - Là đảo xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ, Bạch Long Vỹ nằm ở khoảng giữa vịnh, cách Hòn Dấu (Hải Phòng) 110km, cách đảo Hạ Mai (Vân Đồn, Quảng Ninh) 70km và...

(TNMT) - Là đảo xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ, Bạch Long Vỹ nằm ở khoảng giữa vịnh, cách Hòn Dấu (Hải Phòng) 110km, cách đảo Hạ Mai (Vân Đồn, Quảng Ninh) 70km và cách mũi Đại Giác trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) 130km. Đảo nằm trên 1 trong 8 ngư trường lớn của vịnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng trên biển của Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ cũng như trong phân định Vịnh Bắc Bộ. Tuy vậy, nguồn nước trên đảo lại vô cùng khan hiếm và quý giá, được người dân ví như “vàng trắng”. Hành trình tìm nước trên đảo Bạch Long Vỹ không kém phần gian nan, vất vả.
TNMT Bạch Long Vỹ không còn “khát”
Nước ngọt trên đảo Bạch Long Vỹ được người dân ví như “vàng trắng”. Ảnh: MH
1. Người dân trên đảo kể rằng, cho đến tận đầu thế kỷ 20, đảo Bạch Long Vỹ vẫn chưa có dân cư sinh sống vì không tìm ra nguồn nước ngọt và được gọi là đảo Vô Thủy (không có nước). Mãi đến năm 1920, mới bắt đầu có người ra định cư và phát hiện nguồn nước ngọt ở phía Nam đảo. Từ đó đến nay, nước ngọt vẫn là “vàng trắng” ở Bạch Long Vỹ.

Ông Phạm Bá Quyền (Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc) - Chủ nhiệm Đề án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng - đảo Bạch Long Vỹ cho biết: Điều kiện tự nhiên của huyện đảo không thuận lợi cho việc hình thành nước ngọt trên đảo. Nơi đây, nguồn nước ngầm rất nghèo do đất đá chứa nước kém. Lượng mưa trên đảo không nhiều, thấp hơn trên đất liền, khoảng 1.030mm/năm. Trên đảo không có sông suối có dòng chảy thường xuyên, duy nhất chỉ có 1 hồ (quân đội xây) và nhiều ao nhỏ (do bộ đội đào). Song diện tích các ao hồ này đều rất nhỏ. Toàn đảo cũng chỉ có 6 suối nhỏ với chiều dài nhỏ hơn 0,2 km. Điều đáng nói là các suối này đều chảy từ sườn núi dốc xuống chân núi nên không giữ được nước. 

Trước thực tế ấy, để có nước phục vụ sinh hoạt, người dân trên đảo chủ yếu tận dụng mái nhà để thu nước mưa. Đó là chưa kể, đảo có diện tích nhỏ (3km2) và dốc nên nguồn nước mưa thường chảy nhanh ra biển mà không đọng lại nhiều tạo nguồn nước mặt để bổ sung cho nguồn nước ngầm. Đảo cũng không có các ao, hồ, sông suối lớn để chứa nước mặt thường xuyên. Do thiếu nước ngọt, phi rồng và phi lao là 2 loài cây duy nhất có thể tồn tại được trên vùng đất cằn khô này. 

Để giữ lại nước ngọt sử dụng cho mùa khô, các chuyên gia tài nguyên nước xác định, Bạch Long Vỹ cần xây hồ chứa nước ngọt. Viện Địa chất (Viện KH&CN Việt Nam) đã từng khảo sát cho thấy, điều kiện địa chất trên đảo rất thuận lợi cho xây dựng các hồ chứa nước. Đất đá trên đảo có hệ số thấm nhỏ, dưới nền đá không có các hang hốc ngầm như trong đá vôi nên không phải tốn kém xử lý chống thấm, chống sập đáy hồ. 

Theo nhận định của các chuyên gia, nước ngọt đối với đảo nhỏ như Bạch Long Vỹ là vấn đề sống còn. Nếu biết giữ gìn, phát triển, nước có thể sinh sôi mang lại sự thịnh vượng trù phú cho đảo. 
TNMT 1 Bạch Long Vỹ không còn “khát”

2. Hiện nay, trên đảo có 2 giếng khoan khai thác nước tập trung của UBND huyện Bạch Long Vỹ và Tiểu đoàn phòng thủ đảo, mỗi giếng sâu 80m, khai thác nước trong tầng chứa nước Neogen. Lưu lượng khai thác của cả 2 giếng trung bình khoảng 15m3/ngày, chủ yếu phục vụ cho quân đội, các khối cơ quan, đoàn thể trên huyện và bộ phận nhỏ người dân. Phần còn lại, nhân dân khai thác nước chủ yếu là các giếng đào tự phát, với chiều sâu từ 3,5 ÷ 25,0m. Tuy vậy, đa số các giếng đều cạn vào mùa khô. Ngoài các nguồn nước ở trên, người dân còn sử dụng nguồn nước chở từ đất liền ra với giá lên tới 200.000 đồng/m3 nước. Do vậy, vấn đề thiếu nước ngọt sinh hoạt tại đảo đang rất cấp thiết.

Được biết, yêu cầu dùng nước trên đảo của khoảng 1.096 dân sinh sống, gồm 363 hộ, trong đó, 136 hộ thường trú và 227 hộ làm ngư nghiệp. Ngoài ra, Bộ đội lực lượng vũ trang trên đảo có khoảng 500 người và tàu thuyền đánh cá vào đảo lấy nước ngọt, lượng nước cần dùng cho sinh hoạt khoảng 210m3/ngày.
TNMT 2 Bạch Long Vỹ không còn “khát”

3. Năm 2017, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc được giao thi công Đề án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng - đảo Bạch Long Vỹ” đã tìm được 2 lỗ khoan BLV1 và BLV2 sâu 80m lưu lượng lỗ khoan BLV1 là 0,526l/s, BLV2 là 0,35l/s nước ngọt chất lượng nước tương đối tốt chỉ có hàm lượng sắt và mangan hơi cao dùng cho sinh hoạt cần được xử lý.

Để đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt cho quân và dân trên đảo, cần tiếp tục khai thác nước tại 2 giếng khoan hiện có (lưu lượng trung bình 15 m3/ngày) và khai thác nước tại 2 giếng khoan BLV1 và BLV2 (lưu lượng trung bình 75 m3/ngày) tổng lượng nước có thể đáp ứng được khoảng 90m3/ngày. So với nhu cầu nước khoảng 210m3/ngày, lượng nước thiếu khoảng 120m3/ngày, tương đương khoảng 43.800m3/năm. Nhu cầu nước này được đảm bảo bằng các hồ chứa nước có trên đảo với dung tích 67.789m3

Từ những kết quả nêu trên, với tinh thần động viên chia sẻ khó khăn với quân và dân trên đảo, được sự đồng ý của Bộ TN&MT, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia đã giao cho Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc xây dựng trạm xử lý nước ở 2 lỗ khoan trên để cấp nước sạch về bể chứa của huyện, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. 

4. Thành công nào cũng phải đánh đổi bằng sự vất vả, khó khăn, gian khổ. Việc tìm ra nguồn nước trên đảo Bạch Long Vỹ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Một ngày cuối năm 2017, trong chuyến công tác với cán bộ địa chất thủy văn Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc, chúng tôi càng thấu hiểu hơn những gian khổ mà họ - những người trực tiếp tìm kiếm nguồn nước tại đảo, trong hành trình tìm nước mang lại sự sống trên đảo. 

Thi công ở nơi đầu sóng ngọn gió, đảo Bạch Long Vỹ nằm giữa biển khơi xa xôi, nên trên đường đi thường xuyên có những cơn bão biển, kèm theo sóng to gió lớn. Trong những lần vận chuyển máy móc ra đảo, không ít lần gặp bão, cán bộ lập tức phải theo tàu trở về đất liền. Lại có những lần vừa ra đảo, gặp bão, phải trú ẩn trên đó, cho đến khi bão tan và có tàu ra đón về. Những chuyến đi ấy, biền biệt, không hẹn trước ngày trở về. Thi công trên đảo gặp vô vàn khó khăn về vật tư, nhiên liệu đều tăng cao, nước ngọt phục vụ cho khoan rất hiếm. Để có được nguồn nước, cán bộ phải khoan thăm dò ở rất nhiều vị trí khác nhau. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng cán bộ Liên đoàn vẫn lạc quan, tin vào thành công phía trước vì xác định đây là nhiệm vụ chính trị phục vụ quân đội và người dân. “Chúng tôi chỉ mong, sớm tìm được nguồn nước để bà con nhân dân đỡ khổ, cây cối có thể đơm hoa kết trái, đâm chồi nảy lộc trên vùng đảo khát” - một cán bộ nói. 

5. Sau khi tìm được nước tại 2 lỗ khoan trên đảo, các cán bộ lại âm thầm lặng lẽ trong việc xây dựng trạm xử lý cấp nước. Trong những ngày đông giá rét, họ vẫn không quản ngại khó khăn, từng tốp cán bộ của Liên đoàn vẫn vượt qua gió rét trùng khơi vận chuyển nguyên vật liệu ra đảo để hoàn thành những công đoạn cuối cùng của công trình trạm cấp nước. Để rồi, khi mùa Xuân mới đang về, bà con trên đảo vui mừng khôn tả, những dòng “vàng trắng” không ngừng tuôn chảy trên hòn đảo vốn quanh năm khô khát. Còn với họ - những cán bộ Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc - đây là công trình vô cùng có ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 10 năm về dưới ngôi nhà chung Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạch Long Vỹ không còn “khát”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO