Giải quyết ô nhiễm nguồn nước vùng Đồng bằng sông Hồng
(TN&MT) - Ngày 7/5, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức cuộc họp tham vấn khởi động dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác ở Vịnh Bắc Bộ”. Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước; bà Rosana Keam, Giám đốc Chương trình tài nguyên nước tổng hợp của FAO; ông Steffen Hansen, Chuyên gia của dự án; ông Nguyễn Thái Anh, Chuyên gia kỹ thuận Chương trình GEF của FAO; đại diện các Bộ ban ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học của một số Viện nghiên cứu; đại diện các Cơ quan đối tác phát triển quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác gây ra ở Vịnh Bắc Bộ” được Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp cùng với Tổ FAO xây dựng. Vượt qua nhiều vòng xét duyệt, đến tháng 2/2024, Quỹ Môi trường toàn cầu đã chính thức có thông báo cấp kinh phí để xây dựng văn kiện dự án hoàn chỉnh. Dự kiến, dự án sẽ chính thức bước vào giai đoạn triển khai vào giữa năm 2025.
Đây là cuộc họp tham vấn đầu tiên được tổ chức để chuẩn bị cho bước xây dựng văn kiện dự án, nhằm tạo cơ hội để các bên liên quan trao đổi và góp ý về các nội dung liên quan tới Dự thảo Văn kiện Dự án nhằm đáp ứng những mục tiêu mà Dự án đề ra.
Theo Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, trong những năm gần đây, khu vực đồng bằng sông Hồng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan tới tài nguyên nước và cụ thể tại những vùng đồng bằng ben biển, trong đó nhấn mạnh vào vấn đề gia tăng tình hình ô nhiễm nước ven biển cả về mức độ, quy mô do gia tăng lượng xả thải không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước.
Cùng với đó, việc khai thác, sử dụng nước quá mức trong khi nguồn nước suy giảm đã dẫn đến những vấn đề căng thẳng nguồn nước trong mùa cạn và xâm nhập mặn gia tăng ở vùng ven biển; biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ khiến mực nước biển dâng cao, dẫn tới ngập lụt vùng ven biển, gia tăng tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông, đồng bằng ven biển, làm đảo lộn cân bằng tự nhiên và sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, môi trường nước.
Bên cạnh đó, hàng trăm ha rừng ngập mặn có thể bị mất, các hệ sinh thái đất ngập nước ven bờ, vùng ven biển bị tác động sâu sắc. Các hệ sinh thái thuỷ sinh và đa dạng sinh học vùng biển cũng thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Trước những vấn đề trên, để nâng cao môi trường vùng biển nói chung và vùng ven biển nói riêng, cần có giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước đối với lưu vực sông ven biển hoặc có hạ lưu là vùng đồng bằng ven biển. Do đó, việc quản lý tài nguyên nước vùng ven biển và vùng biển không thể tách rời ra khỏi quản lý thống nhất và tổng hợp của toàn lưu vực.
Chính vì vậy, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với các Bộ, ngành triển khai xây dựng Dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác gây ra ở Vịnh Bắc Bộ”. Đây là dự án được xây dựng phù hợp với ưu tiên về bảo đảm an ninh tài nguyên nước của Việt Nam, đồng thời phù hợp với tiêu chí và ưu tiên của Quỹ Môi trường toàn cầu.
Với vai trò là cơ quan đầu mối xây dựng và triển khai dự án, Cục Quản lý tài nguyên nước rất vui mừng khi nhận được nhiều sự quan tâm của các đơn vị liên quan đối với dự án. Tại cuộc họp tham vấn của Dự án lần này, ông Châu Trần Vĩnh mong muốn các đại biểu tham dự sẽ cùng nhau chia sẻ và trao đổi các nội dung, thông tin liên quan tới hoạt động xây dựng văn kiện dự án hoàn chỉnh, đáp ứng những mục tiêu mà Dự án đề ra góp phần quản lý bền vững tài nguyên nước tại Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức FAO đã giới thiệu về Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình tổng hợp “Đại dương sạch và khỏe mạnh” (Clean and healthy ocean); đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước chia sẻ tham luận “Tổng quan về Luật tài nguyên nước số 28/2023/QH15, khung chính sách pháp luật liên quan trong lĩnh vực tài nguyên nước”.
Bên cạnh đó, đại diện nhóm thực hiện dự án và các chuyên gia chia sẻ các tham luận về: Những thách thức trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Hồng; Giới thiệu về Dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác ở Vịnh Bắc Bộ”.
Theo ông Steffen Hansen, Chuyên gia thiết kế dự án, Dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác gây ra ở Vịnh Bắc Bộ” được xây dựng với mục tiêu cốt lõi về quản lý, giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước vùng Đồng bằng sông Hồng thông qua phương thức quản lý tổng hợp lưu vực sông, trong đó xem xét toàn diện tác động của hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước phía thượng nguồn đến vùng hạ lưu ven biển, từ đó có các giải pháp giảm thiểu sự suy giảm ô xy hoà tan trong nước tại vịnh Bắc Bộ.
Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua 3 hợp phần kỹ thuật. Hợp phần 1: Nhận thức và hiểu biết về các hành động ra quyết định dựa trên cơ sở khoa học. Theo đó, Hợp phần này sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về ô nhiễm do sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp, bao gồm cả mức độ ô nhiễm giàu chất dinh dưỡng và tình trạng thiếu oxy ở biển thông qua tăng cường giám sát, kiến thức và nhận thức của các bên liên quan.
Hợp phần 2: Cơ cấu chính sách và tài chính. Hợp phần này sẽ bổ sung các chính sách chiến lược và đầu tư thông qua việc tăng cường phối hợp liên ngành để tăng cường, thúc đẩy đạt được các mục tiêu nhằm giảm ô nhiễm do thiếu oxy trên biển. Phát triển cơ chế tài chính và xây dựng năng lực để áp dụng các công cụ và giải pháp cho phép tăng nguồn tài chính và lồng ghép các giá trị dịch vụ hệ sinh thái nước ven biển và các nguyên tắc tuần hoàn vào quá trình ra quyết định của các ngành kinh tế trọng điểm.
Hợp phần 3: Thực tiễn quản lý và ứng dụng thí điểm. Trong hợp phần này sẽ thúc đẩy các biện pháp quản lý tốt nhất để giảm nước thải sinh hoạt, ô nhiễm công nghiệp và nông nghiệp, xem xét các giải pháp dựa vào thiên nhiên, giải pháp tiếp cận kinh tế sinh học.
Trên cơ sở các nội dung Văn kiện dự án, cũng tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã phát biểu ý kiến, trao đổi các nội dung, thông tin liên quan tới hoạt động xây dựng văn kiện dự án hoàn chỉnh nhằm đáp ứng những mục tiêu mà Dự án đề ra. Theo đó các đại biểu cho rằng, việc thực hiện dự án cần có sự liên kết, hỗ trợ nhau; sản phẩm đầu ra của dự án phải rõ ràng và mang tính ứng dụng cao, có ý nghĩa và mang lại lợi ích cho người dân tại vùng dự án, đặc biệt là hỗ trợ, đóng góp vào việc thực thi Luật Tài nguyên nước năm 2023.