Bắc Giang: Tăng trưởng quý I vượt dự kiến
(TN&MT) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức hội nghị thường kỳ tháng 3/2024. Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước, thế giới có nhiều biến động phức tạp, nguy cơ suy thoái ở nhiều nền kinh tế lớn vẫn tiềm ẩn song nhờ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của tỉnh và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN), KT-XH của Bắc Giang vẫn đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2024 ước đạt 14,15%; các ngành sản xuất đều có tăng trưởng. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,83%, công nghiệp - xây dựng tăng 17,78% (công nghiệp tăng 18,69%, xây dựng tăng 7,0%), dịch vụ tăng 6,55%, thuế sản phẩm tăng 3,4%.
Đối với lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục được duy trì, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao quy mô lớn được tổ chức đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định, công tác cải cách hành chính (CCHC), sắp xếp đơn vị hành chính và chuyển đổi số được đẩy mạnh. Ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức được cải thiện. Chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) được nâng lên....
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp ở một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình đơn hàng của một số doanh nghiệp (DN) lớn (thuộc lĩnh vực điện tử, may mặc) chưa phục hồi, chưa có thêm đơn hàng mới do mức tiêu thụ một số thị trường còn chưa cao sau dịch Covid. Các DN trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất còn rất hạn chế.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) được tập trung cao đạt nhiều kết quả tích cực, song nhìn chung vẫn gặp khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đầu tư các dự án. Một số dự án khu đô thị, khu dân cư, dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ so với kế hoạch. Tiến độ đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung còn chậm. Ngoài ra, tình trạng rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để trên địa bàn một số huyện, thành phố, thị xã… Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu gia tăng, nhất là lừa đảo qua mạng...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phát triển KT-XH quý I, phân tích về kết quả tăng trưởng của tỉnh thời gian tới. Đồng thời, trao đổi, đề xuất các giải pháp xây dựng vị trí việc làm, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đúng tiến độ, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng điều chỉnh quy hoạch tỉnh. Đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới, trong đó tập trung cao, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm, tích cực thực hiện, giải ngân vốn triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cải thiện Chỉ số Đổi mới Sáng tạo cấp địa phương (PII)…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành đề nghị cần tính toán, đánh giá thêm về giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh quý II do sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trà vải sớm tỷ lệ vải thiều ra hoa thấp. Tập trung hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng chí cho biết, tới đây HĐND tỉnh giám sát về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn, do đó các sở, ngành, địa phương cần chuẩn bị tốt nội dung phục vụ công tác giám sát.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương khái quát kết quả đạt được quý I/2024, đồng thời nêu những khó khăn, thách thức tỉnh phải đối mặt thời gian tới. Đồng chí cho rằng thách thức lớn nhất tỉnh đang phải đối mặt đó là khu vực đầu tư nước ngoài phát triển, nhưng các DN nhỏ trong tỉnh gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thấp so với mấy năm trở lại đây, đã trực tiếp và gián tiếp kìm hãm sự tăng trưởng của tỉnh.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tổ chức xúc tiến lao động tại các trường đại học, cao đẳng để giúp DN tuyển dụng lao động có tay nghề, có chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư tại tỉnh; giải quyết vướng mắc, bảo đảm nguồn điện cho DN hoạt động sản xuất.
Đối với sản xuất nông nghiệp cần đảm bảo an toàn cho vùng chăn nuôi, làm tốt phòng dịch cho cây trồng, vật nuôi; đặc biệt tập trung chăm sóc vải thiều, định hướng xúc tiến tiêu thụ trong điều kiện tỷ lệ ra hoa đạt thấp.
Trước tình hình trên, tháng 4 và quý II/2024, Chủ tịch Lê Ánh Dương đề nghị các ngành tập trung cao đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng hành cùng DN. Trong đó làm tốt xúc tiến lao động, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động của các DN. Bên cạnh đó, quan tâm các điều kiện thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, thế hệ mới. Cùng với đó, khẩn trương chuẩn bị quỹ đất, triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp (AI, bán dẫn)… Quan tâm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ tịch Lê Ánh Dương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng cùng các ngành liên quan tham mưu tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư công.
Các ngành khẩn trương phối hợp hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch tỉnh, đẩy nhanh lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, song song với đó hoàn thiện các thủ tục phân loại đô thị về điều kiện thành lập các phường. Tháo gỡ vướng mắc về xã hội hóa y tế để phát huy tối đa cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Đồng thời, các ngành, đơn vị chủ động xây dựng các dự án đầu tư công cho nhiệm kỳ tới; tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh tháng 4/2024.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến, biểu quyết thông qua một số dự thảo văn bản: Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết của HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 40/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 quy định mức thu học phí và mức thu, cơ chế quản lý sử dụng các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2023-2024 và các năm học tiếp theo tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.
Đồng thời biểu quyết thông qua tại hội nghị các văn bản: Đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, báo cáo về thực trạng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tại các Trung tâm GDNN-GDTX và cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh bãi bỏ các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định cụ thể mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Cùng với đó, đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 26/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 quy định nội dung, mức chi đối với các Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Bắc Giang Quy định mức hỗ trợ một số nội dung sử dụng kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng cơ sở vật chất, bố trí giáo viên đến năm 2025 và năm 2030; Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Quyết định của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 171/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động và mối quan hệ công tác của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bắc Giang và Chính quyền nhân dân thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.