Nắng nóng ở Bắc Bộ gia tăng trong tháng 5
Cụ thể, trong khoảng thời kỳ 15 ngày tới, MJO không có dấu hiệu hoạt động tích cực và ít ảnh hưởng đến khu vực phía Nam Biển Đông.
Trong 10 ngày cuối của tháng 4, từ khoảng ngày 23/4, tại khu vực vùng núi phía Tây thuộc Bắc và Trung Trung Bộ, có khả năng xuất hiện nắng nóng trên diện rộng; từ khoảng ngày 24-26/4 nắng nóng có khả năng mở rộng ra hầu khắp các khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, khu vực phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở phía Đông Bắc Bộ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa; khoảng 3, 4 ngày cuối tháng 4/2022, các khu vực này có khả năng xuất hiện mưa rào và dông gia tăng trở lại.
Trong khoảng cuối tháng 4 sang đầu tháng 5/2022, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định rãnh thấp xích đạo có khả năng được thiết lập trên vùng biển phía Nam khu vực Biển Đông và tiềm ẩn nguy cơ hình thành các vùng nhiễu động trên dải thấp xích đạo này.
Số ngày nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng gia tăng trong tháng 5/2022; tuy nhiên, nhiều khả năng số ngày nắng nóng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.
Trong cả thời kỳ dự báo, nhiệt độ trung bình trên cả nước đều có xu hướng thấp hơn từ 0,0-0,5 độ C, riêng khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn từ 0,5-1,0 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa ở hầu khắp các khu vực trên cả nước phổ biến cao hơn so với TBNN từ 10-30%; riêng phía Đông Bắc Bộ ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm dần
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do có mưa rào trong những ngày tới, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2021.
Cụ thể, trong 10 ngày tới,. ở thượng nguồn sông Mê Công và khu vực Nam Bộ, có mưa rào và dông rải rác, thời gian có mưa chủ yếu về chiều tối; mưa tập trung nhiều hơn trong khoảng thời gian từ ngày 25-28/4, cục bộ có thể xảy ra mưa dông mạnh kèm theo lốc sét và gió giật mạnh trong cơn dông.
Tổng lượng mưa 10 ngày tới tại khu vực Nam Bộ, phổ biến từ 30-70mm, có nơi cao hơn. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 24-27 độ C; nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 32-35 độ C.
Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Công biến đổi chậm và ở mức cao hơn TBNN từ 0,05-0,5m.
Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,45m, tại Châu Đốc 1,65m, ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,3-0,4m.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ ngày 21/4 đến ngày 23/4, mực nước thủy triều tại trạm Vũng Tàu có xu thế giảm, cao nhất dao động ở mức 3,85-3,95m, với đỉnh triều xuất hiện có thể đạt 3,95m trong ngày 20/4 (thời gian xuất hiện khoảng từ 3h-5h). Từ ngày 24/4 đến ngày 30/4, mực nước thủy triều tại trạm có xu hướng tăng, cao nhất dao động 3,70-3,80, với đỉnh triều xuất hiện có thể đạt 3,80 trong ngày 29/4 và 3,75 trong ngày 30/4 (thời gian xuất hiện khoảng từ 12h-14h).
Mực nước thủy triều phía Biển Tây (trạm Phú Quốc): Từ ngày 21/4-30/4, mực nước triều cao nhất dao động ở mức 1,00-1,10m với đỉnh triều có thể đạt 1,10m trong ngày 29/4 (thời gian xuất hiện khoảng từ 16h-18h).
Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 21-30/4/2022, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2021.
Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 50-60km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 35-45km; Sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 35-48km; Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 30-40km; Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 40-45km.
Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 35-45km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 25-30km; Sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 25-32km; Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 20-30km; Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 30-38km.