Bà Rịa - Vũng Tàu: Triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường

Linh Nga| 18/11/2021 12:12

(TN&MT) - Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, du lịch, cảng biển,... Tuy vậy, tỉnh cũng có một số “điểm nóng” về môi trường. Trước thực trạng này, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) nhằm xây dựng tỉnh có một môi trường xanh - sạch - đẹp và văn minh.

Nhận diện các khu vực ô nhiễm

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Những năm vừa qua, công tác BVMT trên địa bàn luôn được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm triển khai thực hiện. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVMT của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình là tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều khu vực, cả thành thị và nông thôn với các hoạt động chế biến hải sản; sản xuất tại các làng nghề... Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: Khu vực kênh Bến Đình, Tân Hải, Cửa Lấp, làng bún Long Kiên, ao Hải Hà.

Bên cạnh đó, theo đánh giá chung trên cơ sở các kết quả quan trắc và phân tích môi trường những năm gần đây cho thấy, sự gia tăng các hoạt động kinh doanh, thương mại cũng đang làm gia tăng mối đe dọa về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, chất lượng nước tại các vùng ven biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có sự thay đổi. Trong đó, tỷ lệ vượt QCVN của các thông số TTS, N-NH4, Fe tại vùng bãi tắm tăng đáng kể, từ 25,0% lên 49,6%.

Kênh Bến Đình có lượng ghe tàu neo đậu lớn nên rất khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng xả thải của người dân

Ngoài ra, chất lượng nước mặt tại các sông ở một vài khu vực bị ô nhiễm cục bộ bởi chất hữu cơ do chịu áp lực bởi nước thải đô thị từ khu vực xung quanh; chất lượng nước tại các hồ cấp nước sinh hoạt được đánh giá theo QCVN 08-MT: 2015/BTNMT (cột A2) cho thấy nước sinh hoạt bị ô nhiễm dinh dưỡng, chủ yếu là N-NH4, trong đó, hồ Sông Ray có giá trị thông số quan trắc có xu hướng cao hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý, BVMT là do sức ép của phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, cùng với sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn phải duy trì nhịp độ phát triển kinh tế ở mức cao để đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, mạnh và ổn định. Vì thế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trong đó, các nguồn đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu được tập trung chủ yếu cho những công trình mang lại lợi ích trực tiếp, ít đầu tư cho tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên và BVMT; đồng thời, việc hiện đại hóa mới chỉ tiến hành trong một số ngành, một số lĩnh vực; sự thiếu hụt công nghệ hiện đại, công nghệ thân thiện với môi trường, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế; thể chế và hệ thống quản lý cho phát triển bền vững chưa đáp ứng yêu cầu của địa phương.

Tạo diện mạo mới về môi trường

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay: Để góp phần tạo diện mạo mới về môi trường; đồng thời, chung tay đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về quản lý, BVMT. Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các Sở, ngành và các địa phương tập trung khắc phục các tồn tại, xử lý dứt điểm các khu vực ô nhiễm môi trường, bảo đảm sự phát triển của tỉnh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Đến nay, một số khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Cụ thể, khu vực kênh Bến Đình đã hoàn thành thu gom toàn bộ nước thải ra kênh và đưa Nhà máy xử lý nước thải đô thị TP. Vũng Tàu giai đoạn 1 công suất 22.000 m3/ngày đêm tại khu vực cầu Rạch Bà để xử lý. Còn khu vực Tân Hải chỉ còn 9 cơ sở đang hoạt động gồm 3 cơ sở chế biến hải sản và 6 cơ sở bột cá, tất cả cơ sở đã được đầu tư hệ thống thu gom nước thải khí thải và được yêu cầu không xả thải nước thải ra khu vực đầm nước trước cổng số 6.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo tăng cường công tác giám sát chất lượng môi trường qua dữ liệu quan trắc tự động

Riêng khu vực đầm nước trước cống số 6 đã được xử lý và cơ bản đã được phục hồi, không còn tình trạng xả thải làm ảnh hưởng đến hoạt động nuôi cá lồng bè. Hiện, Sở TN&MT đang phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản để triển khai thí điểm các giải pháp xử lý mùi hôi từ chế biến bột cá theo công nghệ của Nhật Bản.

Đối với khu vực Cửa Lấp, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho các địa phương quản lý, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh ô nhiễm từ cơ sở chế biến hải sản mới. Tính tới thời điểm hiện nay, chỉ còn 73/131 cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động và tất cả các cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước theo quy định.

Còn đối với khu vực làng bún Long Kiên, UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ 32/43 cơ sở sản xuất bún xây dựng hệ thống xử lý nước thải sử dụng công nghệ Bastaf; các cơ sở còn lại nằm trong quy hoạch giải tỏa. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực làng bún Long Kiên được kiểm soát chặt chẽ và tiến tới xử lý dứt điểm.

Theo ông Đặng Sơn Hải, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra và giám sát việc đầu tư vận hành hệ thống xử lý khí thải của các cơ sở sản xuất, nhất là những ngành có nguồn thải lớn; tăng cường quan trắc tự động nước thải, khí thải nhằm chủ động giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường; công khai thông tin quan trắc môi trường không khí ở các đô thị; tăng cường việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, từ đó nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân địa phương.

“Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục ô nhiễm môi trường, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đến nay, một số khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã cơ bản được kiểm soát tốt, tiến tới xử lý dứt điểm, nhất là không để phát sinh các khu vực ô nhiễm môi trường mới”.

Ông Đặng Sơn Hải

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu: Triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO