ADB: Cần tăng cường đầu tư vào quản lý rủi ro thiên tai

19/06/2013 00:00

Theo ADB, với những tác động khó lường do biến đổi khí hậu gây ra, nguy cơ thiên tai cũng như thiệt hại của chúng gây ra đang ngày một tăng trên phạm vi toàn cầu, nhất là Châu Á-Thái Bình Dương, nơi sẽ có 4 trong 5 thành phố thuộc nhóm có nguy cơ bị đe dọa cao nhất. Điều này cho thấy mọi quốc gia cần tập trung mạnh mẽ hơn về phòng chống thiên tai.        

Thống kê cho thấy, thiệt hại vật chất và kinh tế của Châu Á-Thái Bình dương do thiên tai gây ra đã tăng mạnh từ những năm 1980; mức độ chịu ảnh hưởng từ thiên tai của người dân trong khu vực này cao gấp bốn lần so với ở Châu Phi và cao gấp 25 lần so với ở Châu Âu hay Bắc Mỹ. Châu Á-Thái Bình Dương chỉ chiếm 25% GDP toàn cầu, song chiếm tới 38% tổng giá trị thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra của thế giới trong giai đoạn 1980-2009.     

Nghiên cứu của ADB nêu rõ, để cải thiện tình hình nói trên, các nước Châu Á-Thái Bình dương cần nhấn mạnh hơn nữa vào việc cải thiện phòng chống thiên tai, bởi tần xuất xuất hiện và mức độ gây thiệt hại của thiên tai ngày một tăng, đã, đang và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và cuộc chiến xóa đói giảm nghèo của khu vực.     

Nghiên cứu của ADB cũng chỉ ra rằng, các dự án phục hồi thảm họa của ADB đạt hiệu quả hơn rất nhiều so với các dự án do ADB hỗ trợ tổng thể. Tuy nhiên, phần lớn trong các dự án này có mục tiêu hạn chế nhằm khôi phục lại các đối tượng cụ thể của cơ sở hạ tầng, chứ không phải là sinh kế hoặc nâng cao khả năng phục hồi sau thảm họa. Cho đến nay, rất ít quốc gia tập trung vào các rủi ro thiên tai trong các kế hoạch phát triển kinh tế của mình.       

 Nghiên cứu của ADB kết luận: "Toàn khu vực phải nhận ra rằng, đầu tư vào quản lý rủi ro thiên tai là một phương tiện cần thiết để tăng trưởng bền vững và xóa đói giảm nghèo" .   Trong giai đoạn 1995-2011, ADB dành 10,37 tỷ USD cho 264   lần can thiệp vào các thảm họa thiên tai, trong đó có 8,55 tỷ USD tín dụng cho 104 dự án phòng chống thiên tai.   

Gần như đồng thời, Ngân hàng Thế giới WB cũng công bố báo cáo, trong đó đưa ra cảnh báo, "Nhiệt độ trái đất có thể tăng lên 4 độ C vào năm 2060 và sẽ mang lại nhiều hậu quả tàn khốc nếu Chính phủ các nước không hành động khẩn cấp để đối phó những tác động của biến đổi khí hậu". Trong Báo cáo, WB đã nêu ra những tác động nghiêm trọng mà các khu vực trên thế giới sẽ phải hứng chịu nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 4 độ C vào cuối thế kỷ 21. Đó là các đợt nóng sẽ tấn công Nga và Mỹ thường xuyên hơn, nhiệt độ khu vực Địa Trung Hải có thể tăng cao hơn 9 độ C so với hiện tại, tình trạng axít hóa đại dương tăng kỷ lục và đe dọa nghiêm trọng đến các bãi đá ngầm san hô, phá hủy hệ sinh thái biển.

Báo cáo cũng cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu tăng cao sẽ khiến mực nước biển dâng cao lên gần 1m và gây lụt lội ở các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Madagascar, Mexico, Philíppines, Venezuela và Việt Nam, đồng thời dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, tình trạng mất mùa liên miên và khiến nhiều loại dịch bệnh gia tăng.

Phát biểu trước báo giới tại buổi Hội thảo công bố bản báo cáo, Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhấn mạnh, "chúng ta sẽ không bao giờ có thể xóa đói nghèo nếu không giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với xã hội hiện nay". Theo Chủ tịch WB, 97% các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng, những hành động của con người tác động đến môi trường như phá rừng và hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính khiến lượng khí thải cácbon gia tăng, dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hối thúc các nước cần giữ vững và thực hiện đầy đủ cam kết về thỏa thuận khí hậu đã đạt được tại Hội nghị biến đổi khí hậu tổ chức ở Nam Phi hồi năm ngoái.

Theo đó, 194 quốc gia tham dự Hội nghị đã nhất trí khởi động lộ trình đàm phán về Hiệp ước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mang tính ràng buộc pháp lý trước năm 2015 với mục tiêu giới hạn nhiệt độ không tăng thêm quá 2 độ C.

Theo thống kê, nhiệt độ trái đất đã tăng 0,8 độ C bởi khí nhà kính và đạt mức cao kỷ lục trong thập kỷ qua, khiến các thảm họa thiên nhiên xuất hiện thường xuyên hơn.

Dự kiến, từ ngày 26/11 đến ngày 7/12 tới, khoảng 200 quốc gia sẽ nhóm họp tại Thủ đô Doha của Qatar nhằm đạt được sự đồng thuận về việc gia hạn Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012, theo đó các nước cam kết tiếp tục thúc đẩy kế hoạch cắt giảm lượng khí thải cácbon gây hiệu ứng nhà kính.

Minh Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ADB: Cần tăng cường đầu tư vào quản lý rủi ro thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO