A Lưới (Thừa Thiên Huế): Dân "nói không" với nước sạch, chỉ dùng nước suối

06/10/2017 00:00

(TN&MT) - Người dân 2 xã Hương Phong và A Đớt (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã từ chối sử dụng dự án đồng bộ cấp thoát nước sạch. Họ vẫn nhất quyết dùng nước suối để sinh hoạt và sản xuất với lý do còn khó khăn, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra...

Nguồn nước sinh hoạt của người dân được lấy từ thượng nguồn suối La Tân
Nguồn nước sinh hoạt của người dân được lấy từ thượng nguồn suối La Tân

“Nói không” với nước sạch vì... nghèo

Nhiều năm qua, huyện miền núi A Lưới rất được nhà nước quan tâm về công tác xóa đói giảm nghèo; tuy nhiên đời sống kinh tế của người dân vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Người dân đa phần là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, gia đình đông con, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào việc làm nương rẫy.

Mới đây, UBND huyện A Lưới đã có kiến nghị với Công ty Cổ phần cấp nước TP. Huế yêu cầu triển khai dự án đồng bộ cấp thoát nước sạch cho 21 xã, thị trấn. Trong số đó có 2 xã là Hương Phong và A Đớt đã làm tờ trình gửi lên huyện xin được tự cung cấp nước với lý do còn nghèo, không có kinh phí để dùng nước sạch.

Theo người dân, lâu nay họ vẫn dùng nước suối mà không có dấu hiệu gì bất thường xảy ra. Mặt khác, dùng nước sạch thì phí rất cao còn dùng nước suối thì sẽ thấp, tiết kiệm nhiều thứ...

Chị Lê Thị Đun (thôn La Tân, xã A Đớt) cho hay: “Dùng nước sạch chi phí cao quá, nghe nói 7.000 đồng/khối cơ. Dùng nước suối tuy có đống nhưng rẻ lắm, vài nghìn thôi. Nhà tôi tháng nào cũng khoảng 5-10 mét khối nước...”.

Hệ thống đường ống nối từ đập tràn dẫn nước vào bể để lọc
Hệ thống đường ống nối từ đập tràn dẫn nước vào bể để lọc

Được biết, người dân muốn dùng nước sạch thì phải đóng phí rất cao và phải đáp ứng yêu cầu của phía công ty cấp nước đưa ra. Cụ thể, dân phải có kinh phí lớn để nâng cấp, sửa chữa hệ thống đường ống dẫn do đã hư hỏng nặng. Sau khi hoàn thành dự án, mỗi mét khối nước sẽ được tính 6.000- 7.000 đồng. Có lẽ đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân hai xã A Đớt và Hương Phong xin tự cung cấp nguồn nước cho riêng mình.

Tìm giải pháp hợp lý

Trước mắt, chính quyền của hai xã A Đớt và Hương Phong đã cùng người dân trên địa bàn đưa ra một phương án tạm thời những cũng mang tính khả thi. Đó là xây dựng, nâng cấp hệ thống đập, dẫn nguồn nước suối theo đường ống từ thượng nguồn qua các bể chứa, bể lọc nhằm tạo ra nguồn nước hợp vệ sinh.

Có mặt tại điểm vận hành cung cấp nguồn nước, theo quan sát của PV, nước từ đầu nguồn suối La Tân (xã A Đớt) chảy vào đập tràn. Sau đó nước được dẫn vào hai đường ống đến bể chứa để tiến hành quá trình lọc nhằm loại bỏ tạp chất... Tiếp đến mở van khóa cho nước chảy theo ống dẫn về đến nhà các hộ dân. Người dân chỉ sử dụng và có một chiếc đồng hồ lắp tại nhà để theo dõi chỉ số nước.

Theo Chủ tịch UBND xã A Đớt Trần Văn Minh, toàn xã hiện có 444 hộ với hơn 2.400 nhân khẩu; do điều kiện của địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên toàn xã đành phải dùng nước hợp vệ sinh phí thấp thay vì đóng tiền nhiều để dùng nước sạch. Sau khi thống nhất ý kiến, nguyện vọng của dân về việc xin tự cung cấp nước sinh hoạt, chính quyền cam kết sẽ có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn nước cho người dân sử dụng. Đồng thời sẽ có biện pháp giám sát chặt chẽ trong quá trình vận hành nguồn nước, đảm bảo sức khỏe cho dân.

Nguồn nước được dẫn vào bể để loại bỏ một số tạp chất, sau đó người dân mới sử dụng
Nguồn nước được dẫn vào bể để loại bỏ một số tạp chất, sau đó người dân mới sử dụng

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ đầu tư xây thêm một số đập, bể chứa nước để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân được tốt hơn...”- ông Minh nói.

Ông Mai Văn Linh- Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho rằng, do quảng đường từ công trình nước sạch đến nhà là quá xa, chi phí lắp đặt kéo ống dẫn nước rất cao trong khi người dân không có điều kiện nên việc sử dụng nước sạch là rất khó.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ lắp đặt các hệ thống bể chứa, bể lọc, đường ống dẫn nước về tận nhà các hộ dân. Hiện tại địa phương cũng không thu bất kỳ một loại phí nào liên quan đến việc cấp thoát nước...”- ông Linh khẳng định.

Theo tìm hiểu, mỗi mét khối nước hợp vệ sinh sẽ được tính mới mức phí từ 1.000-1.500 đồng. Tất cả số tiền thu từ phí cấp thoát nước sẽ được chính quyền chi trả cho những người làm công tác quản lý. Ngoài ra, một phần chi phí thu được sẽ được dùng trong công tác sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý nguồn nước.

Ông Văn Lập- Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho rằng, hai xã A Đớt và Hương Phong đã có đơn trình lên UBND huyện xin tự cung cấp nguồn nước sinh hoạt và đã được chấp thuận.

“Để đảm bảo sức khỏe, quyền lợi chính đáng cho dân, hai xã trên phải cam kết chịu mọi trách nhiệm trong việc cung cấp nguồn nươc cho người dân. Đồng thời phải có biện pháp quản lý chặt trong quá trình vận hành các đập chứa, lọc nước...”- ông Lập nhấn mạnh.

Bài, ảnh:Văn Dinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
A Lưới (Thừa Thiên Huế): Dân "nói không" với nước sạch, chỉ dùng nước suối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO