Biến đổi khí hậu

Yên Bái thích ứng biến đổi khí hậu: Từng bước tạo sự gắn kết cộng đồng

Thanh Ngà 30/05/2024 - 08:33

(TN&MT) - Thời gian qua, nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn ra phức tạp và khó dự đoán, tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch triển khai nhiều hoạt động, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân.

Các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng đề án; triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, lồng ghép đánh giá tác động của BĐKH. Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hình thức phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6; Tuần lễ Quốc gia Vệ sinh môi trường và Nước sạch nông thôn; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai; Ngày Khí tượng thế giới...

hieu-qua-tu-chuong-trinh-ho-tro-rung-va-trang-trai.mp4.00_00_20_00.still001.jpg
Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II đã giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế

Phát huy vai trò, trách nhiệm trong ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ngành nông nghiệp nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, từ làm theo kinh nghiệm, thuận theo tự nhiên sang áp dụng khoa học kỹ thuật. Đến nay, tỉnh Yên Bái đề ra kế hoạch cụ thể về phát triển rừng, trong đó tập trung vào trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu trồng mới 10.000ha rừng gỗ lớn. Để thực hiện đề án đó, toàn tỉnh đã và đang tích cực phát triển trồng rừng gỗ lớn. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ đã triển khai được nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Năm 2023, gia đình ông Nguyễn Huy Khôi - Thôn Hợp Thịnh, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình được Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II hỗ trợ 7 đàn ong mật. Đồng thời, được tập huấn kỹ thuật nuôi ong kết hợp trồng các loại cây ăn quả, cây mùa vụ, áp dụng canh tác nông nghiệp hữu cơ, thực hiện đa dạng sinh học dưới tán rừng. Có kỹ thuật nên việc nuôi ong lấy mật và trồng cây ăn quả của gia đình ông Khôi đang rất thuận lợi.

Ông Nguyễn Huy Khôi phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi được Chương trình FFF giai đoạn II hỗ trợ nên số lượng đàn ong tăng lên nhiều. Nuôi ong lấy mật không vất vả mà cho thu nhập ổn định và bền vững. Nhờ có Chương trình hỗ trợ từ hội nông dân mà chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều”.

z5479718795345_1db793eba89d989e9973eb24c50a62d3.jpg
Mô hình trồng rừng gỗ lớn đang được triển khai và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Cũng trong năm 2023, mô hình nuôi gà của gia đình chị Lương Thị Yên - thôn Hợp Thịnh, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình cũng đã được Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại hỗ trợ con giống, cám, kỹ thuật chăn nuôi. Thông qua việc hỗ trợ, gia đình chị Yên được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng chăn nuôi, từ đó thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: Đối Tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên triển khai Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lâm sinh và Tổ chức Gỗ nhiệt đới Quốc tế hỗ trợ xây dựng 2 mô hình trồng cây gỗ tếch với quy mô 1ha/hộ. Trong đó, hỗ trợ 1.100 cây giống, một phần phân bón và một phần công làm đất cho mỗi hộ. Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ xây dựng Quỹ Tín dụng xanh cho Hợp tác xã Quế dược liệu và xây dựng mô hình trồng cây gỗ lớn. Đây sẽ trở thành mô hình điểm cho hội viên nông dân tham gia Chương trình cũng như các địa phương khác tham quan, học tập, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm hữu cơ, có giá trị kinh tế cao.

Từ năm 2023 đến nay, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II đã triển khai 7 mô hình trồng cây gỗ lớn có giá trị tại các xã Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Tân Nguyên của huyện Yên Bình; xã Đào Thịnh, Hưng Thịnh của huyện Trấn Yên; xã Khánh Thiện của huyện Lục Yên; 22 hộ tham gia dự án Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ do Trường đại học Lâm nghiệp hỗ trợ; 7 tổ hợp tác, HTX được trao hỗ trợ xây dựng Quỹ tín dụng xanh tại huyện Yên Bình và huyện Trấn Yên với tổng kinh phí hỗ trợ 95 triệu đồng.

Có thể thấy, Chương trình FFF giai đoạn II đã từng bước tạo sự gắn kết cộng đồng trong nông dân, nông thôn, giúp thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo tín hiệu thị trường để tạo ra sản phẩm hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân về tác động của BĐKH đối với sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ đó, triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với BĐKH, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái thích ứng biến đổi khí hậu: Từng bước tạo sự gắn kết cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO