Biến đổi khí hậu

Đắk Lắk: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Trần Thọ 12/11/2024 - 10:32

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp, khiến sản xuất và đời sống của người dân địa phương đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh.

Thiệt hại không nhỏ

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH; trong đó, nghiêm trọng nhất là tình trạng hạn hán vào mùa khô và mưa đá, lốc xoáy vào mùa mưa. Đây là những hiện tượng thời tiết nguy hiểm đến đời sống, tính mạng của người dân và gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk cho thấy, trong 9 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 đợt hạn hán, 1 đợt mưa lũ và 7 trận giông, lốc; hư hỏng 75 nhà dân, 5 phòng học tại 2 điểm trường; thiệt hại hơn 29.284ha cây trồng các loại; chết 300 con gia cầm; hư hỏng một số công trình cơ sở hạ tầng khác...; Ước tính tổng thiệt hại hơn 209 tỷ đồng.

7b.jpg
Giống sầu riêng có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt được đưa vào sản xuất

Trong số các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động tiêu cực lên sản xuất và đời sống của người dân Đắk Lắk thì tình trạng hạn hán gây ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp. Trong mùa khô năm 2024, tổng diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn tỉnh khoảng 433.579ha, bao gồm 65.584ha cây ngắn ngày và 367.995 ha cây lâu năm. Theo thống kê, có hơn 5.000ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng bởi hạn hán và hơn 4000 hộ dân bị thiếu nước trong mùa khô 2024; thiệt hại ước tính hơn 160 tỷ đồng.

Cùng với hạn hán, hiện tượng mưa đá, giông, lốc xoáy cũng ngày càng phổ biến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hiện tượng thời tiết cực đoan này có một phần nguyên nhân từ BĐKH, đe dọa an toàn tính mạng, ảnh hưởng lớn đến tài sản, hoa màu của người dân trên địa bàn. Vào tháng 7/2024, trận giông, lốc xảy ra tại huyện Cư M’gar khiến 200 tấn sầu riêng bị rụng và nhiều công trình, nhà cửa bị hư hỏng; ước tính thiệt hại hơn 13 tỷ đồng. Cũng trong tháng 7, đợt mưa kéo dài nhiều ngày đã gây ngập lụt hơn 1.200ha cây trồng cùng nhiều nhà dân huyện Lắk.

Giải pháp phù hợp

Để ứng phó với BĐKH, đặc biệt là tình trạng hạn hán, gây thiệt hại rất nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 858 công trình thủy lợi, trong đó, có 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm. Trong năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp 12 công trình với tổng số vốn gần 56 tỷ đồng. Tuy vậy, hiện vẫn còn hơn 100 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mất an toàn, việc bố trí nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa những công trình này đang là bài toán lớn đối với tỉnh.

Về các giải pháp phi công trình, theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, Công ty đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, không để thất thoát lãng phí nguồn nước. Bên cạnh đó, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chuyển dần thói quen từ tưới truyền thống sang các biện pháp tưới tiết kiệm như phun sương, nhỏ giọt. Riêng đối với những vùng khan hiếm về nguồn nước, cần thay đổi các giống cây trồng phù hợp, có thể chuyển đổi từ cây lúa sang các cây trồng khác có nhu cầu dùng nước ít hơn, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỉnh Đắk Lắk cũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với BĐKH. Theo đó, nhiều giống cây có khả năng chống chịu tốt, cho năng suất cao đã được đầu tư sản xuất, thay thế các giống cây kém hiệu quả, đặc biệt là đối với cây công nghiệp lâu năm. Tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh Đắk Lắk có 28.583ha cây hồ tiêu với sản lượng đạt 77.100 tấn, tăng 3,31% so với cùng kỳ năm 2023; cây sầu riêng có 32.785ha với sản lượng đạt 151.112 tấn, tăng 13,17% so với cùng kỳ năm 2023; diện tích cây cao su là 32.174ha, sản lượng đạt 28.918 tấn, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2023.

Về chiến lược lâu dài, tháng 3/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND về hành động thích ứng với BĐKH tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức triển khai các nhiệm vụ để phòng ngừa, giảm thiểu các tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO