Đắk Nông: Đồng hành chống biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Những năm qua, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), sản xuất nông nghiệp của người dân nông thôn ở Đắk Nông bị ảnh hưởng nặng nề cả về sản lượng và chất lượng. Trước tình hình đó, tỉnh Đắk Nông đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với BĐKH, giúp người nông dân sản xuất ổn định và có thu nhập cao.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp
Để tạo hệ sinh thái đa tầng, giúp vườn cây phát triển trước biến đổi khắc nghiệt của thời tiết, anh Lê Ngọc Quỳnh (xã Đắk R’Moan, TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông) quyết định trồng xen canh nhiều loại cây trên cùng một đơn vị diện tích nhằm tăng thu nhập và thích ứng với biến đổi khí hậu như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ... Để các loại cây trồng đều mang lại hiệu quả, anh Quỳnh chú trọng khâu quy hoạch vườn cây ngay từ ban đầu, trồng cây theo phân khu, phân tầng tán cây để vừa có độ che bóng vào mùa khô hạn nhưng cũng không làm rợp bóng đối với các cây trồng xen còn lại… Nhờ vậy, vườn cây cho thu nhập quanh năm, chống chịu được hạn hán, đạt năng suất cao.
Ông Phạm Hùng Vỹ - Giám đốc Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do BĐKH khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (Dự án SACCR) cho biết, trong những năm gần đây, BĐKH đã gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các nông hộ nhỏ, dễ bị tác động bởi thời tiết bất thường. Vì vậy, Dự án SACCR tại tỉnh Đắk Nông được triển khai thực hiện với nhiều hoạt động liên hoàn giúp cho người dân có khả năng thích ứng nhanh, thích ứng bền vững trong sản xuất nông nghiệp. "Cụ thể, Dự án hỗ trợ về đào ao tích trữ nước, hệ thống tưới nước tiết kiệm, trồng xen canh theo phương pháp đa tán đa tầng, hỗ trợ phân bón và hỗ trợ nâng cao trình độ canh tác cho bà con nông dân nhằm từng bước thay đổi nhận thức và phương pháp canh tác để phát triển bền vững" - ông Vỹ thông tin thêm.
Theo ông Ngô Xuân Đông - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, từ năm 2018 - 2023, các địa phương trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.109ha đất lúa, đất xa nguồn nước sang các loại cây trồng cần ít nước tưới.
Tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng BĐKH trên toàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi hơn 2.860ha, đến năm 2030 chuyển tiếp 5.696ha. "Nguyên nhân phải chuyển đổi chủ yếu do những diện tích cây trồng này ở những vùng thiếu nước vì hạn hán, mạch nước ngầm thấp, đất đai cằn cỗi, không đúng theo quy hoạch", ông Ngô Xuân Đông cho biết thêm.
Áp dụng thành công mô hình hay
Ông Ngô Xuân Đông - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho hay, để người dân ở các địa phương trong tỉnh nắm bắt cụ thể các chương trình nhằm đẩy mạnh việc chống BĐKH trong mùa khô năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân về tình hình, diễn biến thời tiết, có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, dân sinh để người dân biết, chia sẻ và chủ động cùng thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước; đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn. Về lâu dài, địa phương cần đầu tư nâng cao dung tích các hồ chứa hiện trạng và thực hiện đầu tư xây dựng mới công trình thủy lợi, nhất là tại các khu vực thường xuyên thiếu nước tưới.
Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, để ứng phó với BĐKH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai hỗ trợ người dân nhiều mô hình sản xuất đa cây, nông lâm kết hợp được người dân địa phương áp dụng mang lại hiệu quả; trong đó, các mô hình nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp phục hồi, hồ tiêu, cà phê cảnh quan tại một số nhà vườn ở Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, TP. Gia Nghĩa… áp dụng thành công. Đồng thời, tỉnh Đắk Nông còn xây dựng nhiều mô hình tích cực để nhằm phòng bị, cải thiện những hậu quả do BĐKH. Ngoài các biện pháp siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đẩy mạnh trồng rừng, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi… được tỉnh chú trọng; trong đó, nông dân cũng đã áp dụng các biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm; áp dụng mô hình trồng xen canh, trồng cây che bóng… mang lại kết quả tích cực.
"Lãnh đạo sở ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đồng thời, chủ động hỗ trợ và khuyến khích hộ nông dân, hợp tác xã chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp theo định hướng chống BĐKH để người nông dân có mùa màng bội thu, ổn định cuộc sống" - ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị.