Yên Bái biến nơi đất cằn trở thành vùng phát triển cây kinh tế mũi nhọn

29/09/2017 00:00

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã đưa Dự án phát triển cây tre măng Bát độ trồng tại huyện Trấn Yên. Đến nay, đã hình thành 3 vùng trồng măng tre Bát Độ tập trung tại 10 xã trên địa bàn huyện với diện tích gần 2.000 ha. Cây tre măng không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà đãgiúp cho hàng trăm hộ dân trong huyện làm giàu, đồng thời góp phần nâng cao độ che phủ và cải thiện môi trường sinh thái.

Khó khăn bước đầu...

Sau một giờ đồng hồ, chúng tôi cùng cán bộ Trạm khuyến nông huyện Trấn Yên tới xã Kiên Thành, một trong ba vùng trồng măng tập trung lớn nhất của huyện, diện tích trồng măng của xã chiếm 2/3 toàn huyện.

Trên đường đi chị Hoàng Thị Ánh Tuyết – Phó trưởng trạm khuyến nông huyện Trấn Yên tâm sự: Để có được gần 2.000 ha măng trên địa bàn huyện như bây giờ, thời gian đầu cán bộ huyện và xã gặp rất nhiều khó khăn để vận động bà con trồng. Tất cả cán bộ trong xã, đảng viên phải gương mẫu trồng trước đến khi thấy được hiệu quả kinh tế người dân mới bắt đầu trồng thử.

Đến nay Dự án phát triển cây tre măng Bát độđã hình thành 3 vùng trồng tre măng tập trung tại 10 xã trên địa bàn huyện Trấn Yên với diện tích gần 2.000 ha
Đến nay Dự án phát triển cây tre măng Bát độđã hình thành 3 vùng trồng tre măng tập trung tại 10 xã trên địa bàn huyện Trấn Yên với diện tích gần 2.000 ha

“Cho tới giờ thì thành công rồi! Người dân thấy được hiệu quả kinh tế cùng nhau trồng và mở rộng diện tích. Trước kia đất của các hộ gia đình ở Kiên Thành chủ yếu trồng các cây mang lại giá trị kinh tế thấp như: Bồ đề, quế, keo... giờ họ chặt đi và thay vào đó là tre. Vài năm trước Kiên Thành là một xã vùng sâu, vùng xa khó khăn và nghèo đói nhất huyện. Từ ngày cây măng về với bà con, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt chỉ còn chiếm hơn 20%, đã có nhiều hộ trở nên khá giàu. Hiện xã có 930 hộ dân thì có tới trên 600 hộ trồng tre măng Bát độ, nhà ít cũng vài trăm gốc, nhà nhiều 5.000 – 6.000 gốc”, chị Tuyết phấn khởi nói.

Chúng tôi tới Kiên Thành vào những ngày đầu vào vụ măng, đi từ Kiên Lao, Cát Tường đến Khe Tối, Đồng Ruộng, đâu đâu cũng thấy bà con nói chuyện về trồng tre lấy măng.

Bà Triệu Thị Chiến - thôn Đồng An, xã Kiên Thànhchia sẻ: Gia đình tôibắt đầu trồng măng Bát Độ từ năm 2004. Được cán bộ ở huyện và xã vận động mãi cũng chỉ dám trồng gần 1 ha tre Bát độ, vì loại cây này còn rất xa lạ với gia đình. Thế nhưng, sau vụ thu hoạch măng đầu tiên gia đình đã mở rộng diện tích lên tới 3,5ha mỗi năm cũng cho thu hoạch ổn định từ 70-80 triệu đồng.

“Những diện tích trồng tre bây giờ ngày trước trồng quế, trồng keo và bồ đề những loại cây này phải nhiều năm mới khai thác được, giá cả lại bấp bênh không như cây tre măng. Cây tre măng thì năm nào cũng được thu, giá cả lại ổn định mỗi vụ măng kéo dài khoảng 4 tháng, mỗi hecta cũng bỏ túi khoảng 30 triệu đồng. Đặc biệt giống tre này chỉ trồng năm trước năm sau là đã có măng bán rồi”, bà Chiến say sưa nói.

…giúp bà con thoát nghèo

Xã Kiên Thành là vùng trồng măng tre đầu tiên của huyện Trấn Yên, sau khi thấy được hiệu quả kinh tế mà giống cây trồng này mang lại, huyện đã nhân rộng ra các xã Hồng Ca, Lương Thịnh và Hưng Thịnh để giúp bà con cùng thoát nghèo.

Trước đây, những vùng đất này người dân sống chủ yếu dựa vào vài mảnh ruộng, mảnh nương nhưng thu nhập cũng may là chỉ đủ ăn. Từ ngày có cây tre “bén duyên” tại vùng đất này mới có thể biến những vùng đất cằn trở thành vùng phát triển cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, giúp cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo và làm giàu.

Cây tre măng không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà đãgiúp cho hàng trăm hộ dân trong huyện làm giàu, đồng thời góp phần nâng cao độ che phủ và cải thiện môi trường sinh thái
Cây tre măng không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà đãgiúp cho hàng trăm hộ dân trong huyện làm giàu, đồng thời góp phần nâng cao độ che phủ và cải thiện môi trường sinh thái

Vào tới“thủ phủ’ tre măng Bát độ chúng tôi được ghé thăm gia đình anh Dương Phú Nam – thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành. Gia đình anh Nam là một trong những hộ có diện tích trồng tre măng nhiều nhất xã, hơn nữa anh là người đi đầu vận động mọi người trong xã cùng trồng, anh Nam nói: Giờ cuộc sống của người dân trong xã khá lên rất nhiều rồi. Hầu hết nhà nào trồng tre măng thì đều có của ăn của để, trong nhà muốn mua sắm cái gì thì cứ đợi đến mùa măng vì lúc đó sẽ có tiền. Giờ nhiều nhà đã tự mở rộng diện tích trồng măng chứ không cần phải vất vả vận động như ngày trước, bà con cũng không ai nói “trồng cây măng là cây mắc nợ nữa”. Hơn nữa, hơn 10 năm nay giá măng cũng rất ổn định nên người dân cũng yên tâm trồng.

Để đảm bảo vùng tre măng trên địa bàn huyện phát triển ổn định lâu dài, đưa sản phẩm măng trở thành hàng hóa, có thị trường tiêu thụ lâu dài. Năm 2006 tỉnh đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Vạn Đạt để đảm bảo ổn định giá cho bà con.

Anh Trần Hữu Thành – Trưởng chi nhánh Công ty Vạn Đạt tại Yên Bái cho biết: Hiện nay Cty đã bao tiêu sản phẩm cho người dân trồng măng tại các xã trong huyện Trấn Yên với giáổn định từ 4.000 – 4.500 đồng/kg.Qua nhiều năm trước đó việc tìm kiếm vùng trồng nguyên liệu tre măng rất khó khăn đối với Cty. Từ khi sang Yên Bái thì đã thành công, với khí hậu, đất đai ở đây phù hợp cho cây sinh trưởng và phát triển, cho ra sản phẩm và chất lượng măng rất tốt. Mỗi năm Cty thu tại Yên Bái khoảng 18.000 – 19.000 tấn măng tươi. Sản phẩm của Cty chủ yếu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và sản phẩm tới đâu là hết tới đó.

Qua thực tế hơn 10 năm, cây tre Bát Độ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 – 3 lần so với cây trồng khác trên đất đồi rừng. Từ đó đã khai thác và sử dụng có hiệu quảtiềm năngvề đất, nâng cao thu nhập cho bà con, phát triển được vùng nguyên liệu ổn định tại địa phương.

Góp phần nâng cao độ che phủ của rừng

Ngoài giá trị kinh tế từ cây tre măng đem lại, cây măng còn góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác không còn tình trạng bóc màu đất.

Đặc biệt, tỉnh có những chủ trương, chính sách đầu tư, giao đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rừng. Nhờ đó, tổng diện tích rừng toàn tỉnh không ngừng tăng lên qua các năm, tỉ lệ độ che phủ được nâng lên và đạt 62%.

Cơ sở sơ chế măng của Công ty Vạn Đạt
Cơ sở sơ chế măng của Công ty Vạn Đạt

Ông Phí Lâm Bàng – Phó trưởng phòng sử dụng và phát triển rừng, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Yên Bái cho biết: Hàng năm độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái chiếm tỉ lệ khá cao, việc đưa cây tre măng Bát độ trồng trên địa bàn tỉnh  không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn cải thiện môi trường sinh thái, chống tình trạng rửa trôi, xói mòn đất. Hơn nữa, cây tre măng còn giúp giữ nguồn nước và góp phần tăng độ che phủ của rừng.

Bên cạnh đó, cây tre măng đã khai thác được tiềm năng đất đai của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo tăng thu nhập và làm giàu cho nông dân.

Ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Trong thời gian qua huyện Trấn Yên đã xây dựng được vùng nguyên liệu tre tập trung, sản phẩm măng Bát Độ đã trở thành hàng hóa tiêu thụ ổn định, giúp cho nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, nhiều hộ đã làm giàu từ cây tre măng.

“Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tre Bát độ, duy trì ổn định, bền vững vùng nguyên liệu. Huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng măng tại các xã vùng trọng điểm trồng tre Bát độ trên địa bàn huyện”, ông Nguyễn Đức Mầu nói.

Đề án phát triển măng tre Bát độ, phấn đấu đến năm 2020 hình thành vùng sản xuất tre măng tập trung 10.100ha. Trong đó, trồng mới 7.600ha, chăm sóc 2.500ha để thực hiện mở rộng tại một số huyện: Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên và Văn Chấn.

Chính sách hỗ trợ: Hỗ trợ 1 lần kinh phí để mua giống cho hộ gia đình có diện tích trồng mới tập trung từ 0,5ha trở lên. Mức hỗ trợ là: 1 triệu đồng/ha đối với huyện Trấn Yên; 3 triệu đồng/ha đối với các huyện mở rộng: Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên và Văn Chấn.

Bài & ảnh: Tiến Dũng - Thanh Ngà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái biến nơi đất cằn trở thành vùng phát triển cây kinh tế mũi nhọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO