Ngày 1/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Khoảng 2.500 ha rừng bị suy giảm mỗi năm
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ nhất trí với Báo cáo đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Bày tỏ băn khoăn về nạn phá rừng, đại biểu Bùi Xuân Thống cho biết, theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, năm 2021 diện tích rừng bị thiệt hại là 2.081 ha, tăng 29,3% so với năm 2020. Trong đó, diện tích rừng bị cháy là 1.229 ha, gấp 1,7 lần, các vụ chặt phá rừng là 852 ha, thậm chí ngay cả rừng ở vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển vẫn bị chặt phá. Độ che phủ rừng cả nước đạt 42%, song bình quân hàng năm nước ta suy giảm khoảng 2.500 ha rừng. Từ năm 2001 đến 2019, gần 20% rừng nguyên sinh đã bị mất đi, diện tích rừng nguyên sinh còn lại ít, bị chia cắt, cô lập thành những khu vực nhỏ, phân bố rải rác ở một số khu vực như Tây Nguyên, Tây Bắc. Chất lượng rừng tự nhiên được đánh giá thấp nên khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Theo nghiên cứu của Quỹ châu Á cho thấy, trong 20 năm qua, Việt Nam là một trong năm quốc gia có rủi ro thiên tai lớn nhất toàn cầu với mức thiệt hại ước tính đến 1,5% GDP hàng năm. Diện tích rừng suy giảm lớn đã gây nhiều hậu quả nặng nề về lũ lụt, môi trường ngày càng khắc nghiệt, các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất ngày càng nhiều. Nơi cư trú của động vật hoang dã đã bị thu hẹp hoặc mất đi, sự đa dạng sinh học ngày càng suy giảm. Do đó, việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, các khu bảo tồn đa dạng sinh học là vấn đề cấp thiết.
“Tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế tại các khu vực này cần đánh giá thận trọng. Việc trồng rừng thay thế cần phải được thực hiện nghiêm túc, tránh việc nộp tiền thay cho diện tích rừng bị mất đi”, đại biểu Bùi Xuân Thống nhấn mạnh.
Nhân diễn đàn này, đại biểu Bùi Xuân Thống chuyển đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tâm tư nguyện vọng của cử tri Đồng Nai về việc không xây cầu Mã Đà, tuyến quốc lộ 13C đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Với nhận thức sâu sắc khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai là tài sản vô giá của Nam Bộ và nhân dân Đồng Nai, khu vực miền Đông Nam Bộ và của cả nước nói chung mà nhân dân Đồng Nai đã cố gắng gìn giữ, bảo vệ ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã đóng cửa rừng để bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực này.
Theo đại biểu Bùi Xuân Thống, việc xây dựng tuyến quốc lộ 13C đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới mà các chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo sẽ phá vỡ cảnh quan, hệ sinh thái rừng tự nhiên gây nhiều tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, công tác bảo tồn thiên nhiên và những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường.
“Những giá trị kinh tế đem lại chắc hẳn sẽ không thể đánh đổi được so với những tác hại về môi trường sinh thái của khu vực này. Do đó, cử tri, chính quyền tỉnh Đồng Nai rất mong được Chính phủ, các Bộ, ngành nghiên cứu để có những giải pháp khả thi bảo vệ vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai trong thời gian tới”, đại biểu Bùi Xuân Thống nói.
Xử lý trọn vẹn vấn đề “hậu thủy điện”, chú trọng phát triển năng lượng xanh
Thể hiện sự lo lắng về hiện tượng động đất và những hậu quả có thể gây ra cho Kon Tum và khu vực Tây Nguyên, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, những tháng gần đây, động đất đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Nguyên nhân, theo Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là động đất kích thích do hồ chứa nước. Hiện tượng này cũng đã từng xảy ra ở Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương khác khi hồ chứa thủy điện tích nước. Vấn đề là mối liên hệ giữa hiện tượng động đất với việc tích nước có mức độ nguy hiểm đến đâu để từ đó có giải pháp ứng phó phù hợp là vấn đề cần được quan tâm, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.
Không chỉ hiện tượng động đất mà còn những vấn đề của hậu thủy điện cũng chưa được xử lý một cách trọn vẹn, như những bất cập trong việc tái định canh, định cư; vẫn còn nhiều hộ dân tái định cư thiếu nước, thiếu đất trồng lúa nước, dẫn đến nguy cơ thiếu lương thực hoặc tái nghèo.
Bên cạnh đó, việc giải quyết vấn đề đền bù thiệt hại cho người dân cũng chưa triệt để. Ví dụ như ở thủy điện Đăk Đrinh của Kon Tum đã hoàn thành hơn 10 năm nay nhưng việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng vẫn còn một số tồn tại chưa giải quyết xong, vấn đề trồng rừng thay thế, vấn đề quản lý, vận hành hồ chứa, nhất là vào mùa mưa lũ...
“Không thể phủ nhận đóng góp to lớn của thủy điện trong an ninh năng lượng quốc gia cũng như những lợi ích của hồ, đập trong điều tiết môi trường, cảnh quan du lịch và sinh kế của người dân nhưng những vấn đề bất cập nêu trên vẫn đang là một thực tế. Đề nghị Chính phủ rà soát lại những vấn đề trên để tiếp tục có các giải pháp giải quyết phù hợp, nhằm đảm bảo hài hòa các lợi ích trong quá trình phát triển”, đại biểu Bùi Xuân Thống nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới thì vấn đề tự chủ và đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia trước mắt cũng như lâu dài cần phải đặc biệt quan tâm hơn nữa.
Đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam nói chung và Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió để thay thế các nguồn năng lượng truyền thống phát thải nhiều carbon. Trong thời gian gần đây, nguồn năng lượng mới này đã và đang được phát triển mạnh ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng, do các cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những bất cập, chưa theo kịp với thực tế, chưa phù hợp với các vùng miền khác nhau, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung, thậm chí, gây điểm nóng về an ninh, trật tự do kiến nghị đông người, xung đột giữa người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay, phần lớn các máy móc, trang thiết bị, vật tư, công nghệ và cả chuyên gia trong lĩnh vực này, nước ta đều phải nhập khẩu, thuê, mướn từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, cần định hướng chiến lược dành nguồn lực đầu tư hợp lý để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để từng bước giảm phụ thuộc, tiến tới sự tự chủ trong lĩnh vực này.