Tâm lý sở hữu BĐS của người dân khiến nhu cầu mua nhà khu vực vùng ven gia tăng (ảnh minh họa) |
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở Công ty CBRE Việt Nam cho rằng, dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19, nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao, do càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Trong khi đó, quỹ đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng khan hiếm, giá tăng cao, nhiều ông lớn BĐS đã chuyển hướng sang các địa bàn vùng ven tìm kiếm cơ hội.
Đồng thời, tâm lý thích sở hữu BĐS của người dân cũng khiến nhu cầu mua nhà khu vực ven trung tâm gia tăng. Cùng với đó, "cú hích" từ dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng sống xanh, an cư trong những căn nhà diện tích rộng, không gian sống gần gũi thiên nhiên, tách biệt với trung tâm đô thị đông đúc càng tạo sức nóng cho thị trường BĐS vùng ven.
Theo ông Kiệt, thực ra, không chỉ mới đây, xu hướng phát triển thị trường BĐS vùng ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và mới đây là các tỉnh ĐBSCL đã hình thành cách đây vài năm, tuy nhiên, đến hiện tại, khi xuất hiện nhiều ông lớn BĐS cùng lúc vào thị trường với các dự án quy mô thì BĐS vùng ven TP.HCM mới thực sự trở nên mạnh mẽ.
Có thể thấy loạt ông lớn BĐS như Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh, Danh Khôi, An Gia… đã khuấy động thị trường BĐS ven TP.HCM thời gian gần đây. Sự hiện diện của những chủ đầu tư này với các dự án lớn đi kèm đã thúc đẩy tâm lý mua BĐS vùng ven trở nên mạnh mẽ hơn.
Cũng theo ông Kiệt, việc lựa chọn sống ở ven đô sẽ giúp người mua nhà giải quyết được nhiều bất cập của cuộc sống đô thị như ùn tắc giao thông, khói bụi, đồng thời thỏa mãn tất cả những nhu cầu sống và sinh hoạt của nhiều thế hệ trong gia đình.
Thực tế, trước khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát, thị trường BĐS vùng ven vẫn luôn sôi động. Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường BĐS cho thấy giá BĐS khu vực vùng ven TP.HCM chưa giảm, thậm chí tăng mạnh ngay cả trong thời gian đại dịch bùng phát. Theo DKRA Việt Nam, thị trường đất nền vùng ven tiếp tục giữ vị thế chủ lực, trong khi TP.HCM trải qua 4 quý liên tục thiếu vắng nguồn cung mới. Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ mới toàn thị trường.
Nguồn cung mới nhà phố, biệt thự khu vực TP.HCM và các tỉnh giáp ranh có mức tăng đột biến, khoảng 78% so với quý trước nhưng chỉ tập trung trong giai đoạn đầu quý II/2021. Tuy vậy, tỷ lệ tiêu thụ lại giảm khoảng 23% so cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng bởi phần lớn thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Báo cáo từ CBRE Việt Nam cũng cho thấy, từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào BĐS tăng rất nhanh, nhất là giai đoạn đầu năm, nhiều tỉnh đã xảy ra tình trạng sốt đất. Lượng người muốn đầu tư vào BĐS trước khi dịch Covid-19 bùng phát chiếm đến 75%, còn lại 35% đổ vào chứng khoán. Những tháng gần đây, do giãn cách xã hội để chống dịch nên các giao dịch BĐS tạm thời “đóng băng”, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tiền và chờ cơ hội để mua BĐS sau dịch.
Theo dự báo của các chuyên gia, việc các doanh nghiệp địa ốc tìm về vùng ven để phát triển dự án sẽ tiếp diễn trong tương lai, đặc biệt ở những thị trường có nhiều quỹ đất màu mỡ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và xa hơn như Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng,… kéo theo đó là các nhà đầu tư, khách hàng cũng về vùng ven tìm kiếm sản phẩm.