Xây dựng Luật địa chất và Khoáng sản: Nâng tầm quản lý địa chất, khoáng sản

Mai Đan| 09/02/2023 10:08

(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó, việc xây dựng 5 chính sách mới về địa chất, khoáng sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về địa chất và khoáng sản.

Bổ sung nhiều chính sách về tài nguyên địa chất

Trong 5 chính sách trên, có 3 chính sách mới về địa chất. Điều đó cho thấy, việc đổi tên Luật Khoáng sản thành Luật Địa chất và Khoáng sản là cần thiết để bao hàm đầy đủ phạm vi, đối tượng áp dụng cũng như các quy định liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất.

Chính sách thứ nhất là chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản.

Chính sách này bổ sung mới quy định làm rõ nội hàm của “tài nguyên địa chất”, “các điều kiện địa chất khác”; làm rõ các nội dung liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất (điều tra địa chất công trình - thủy văn, địa chất tai biến, di sản địa chất, công viên địa chất...); ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về điều tra cơ bản địa chất để thống nhất áp dụng cho các ngành, lĩnh vực.

thumbnail_anh-bai-chinh-sach-dia-chat-khoang-san.jpg
Nhà địa chất kiểm tra thực địa ở mỏ vàng Nậm Kha Á (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu)

Cụ thể, bổ sung mới quy định làm rõ “tài nguyên địa chất” gồm: tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; các điều kiện địa chất khác (tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo…) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn thiên nhiên, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các ngành kinh tế khác; quy định quản lý tập trung, thống nhất thông tin, dữ liệu địa chất nhằm để cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các ngành, địa phương, chuyển đổi số để xây dựng “cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản”.

Ngoài ra, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để đảm bảo thực hiện các dự án đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu thăm dò, khai thác trong từng giai đoạn theo Quy hoạch khoáng sản đã phê duyệt, đồng thời, dự trữ khoáng sản để phát triển ổn định, lâu dài; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về địa chất trong việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong điều tra cơ bản địa chất.

Chính sách thứ 2 là hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản. Chính sách này bổ sung mới quy định về trách nhiệm của UBND các cấp trong bảo vệ “tài nguyên địa chất”, nhất là công viên địa chất, di sản địa chất, các cấu trúc địa chất đặc biệt.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ bổ sung quy định quản lý tài chính về địa chất, khoáng sản. Chính sách này bổ sung quy định hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất của tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất các ngành, lĩnh vực nhằm tăng cường nguồn lực tái đầu tư cho điều tra cơ bản địa chất, bảo đảm công bằng khi sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất.

Chính sách bổ sung để hoàn thiện quy định về quyền, trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của tổ chức, cá nhân khi Giấy phép thăm dò/khai thác hết hạn; trách nhiệm của UBND các cấp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quản lý, bảo vệ khoáng sản ở vùng giáp ranh địa giới hành chính).

Chính sách cũng quy định về nội dung định hướng trong “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng” theo hướng “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn”; về nội dung “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản” và “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản”; Quy định về việc bồi thường trong trường hợp thu hồi dự án đầu tư.

Chính sách thứ 5 là tài chính về địa chất.

Kế thừa các chính sách về khoáng sản

Bên cạnh nhóm chính sách mới về điều tra cơ bản địa chất, tài chính về địa chất, cũng có các chính sách kế thừa (chính sách về khu vực hoạt động khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản, tài chính về khoáng sản). Cụ thể, trong chính sách hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản, sửa đổi, bổ sung quy định về “khu vực hoạt động khoáng sản”, không chỉ là khu vực đã điều tra, đánh giá khoáng sản phù hợp với thực tiễn thời gian qua, nhất là đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Chính sách này rà soát, sửa đổi tiêu chí khoanh định ”khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản”, nhất là đối với khu vực quy hoạch các loại rừng phù hợp với đặc thù của hoạt động thăm; hoạt động khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò, khai thác bằng phương pháp đặc biệt. Chính sách cũng bổ sung mới quy định cụ thể về tiêu chí, hồ sơ phê duyệt/bổ sung, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; quy định về thời gian dự trữ; điều kiện đầu tư các dự án, công trình trên mặt nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Chính sách này bổ sung quy định: khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vốn, công nghệ để khai thác, chế biến khoáng sản tại các mỏ có điều kiện địa chất - mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật thấp kém nhằm thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; trách nhiệm tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản sau khai thác; quy định sử dụng nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Luật địa chất và Khoáng sản: Nâng tầm quản lý địa chất, khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO