b3a.jpg

Trong vịnh Nha Trang có 19 đảo lớn nhỏ, có những đảo đông dân cư như Trí Nguyên, Bích Đầm, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển. Hướng đến xanh hóa những làng chài giữa biển là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030.

1(7).jpg

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi đến Bến tàu dân sinh Phú Quý theo thuyền gỗ của ngư dân để tới đảo Trí Nguyên, nơi có 800 hộ với gần 4.000 nhân khẩu đang sinh sống. Từ một làng chài nhỏ, giờ đây, Trí Nguyên đã thành làng NTTS nổi tiếng ở Khánh Hòa và là điểm tham quan cho nhiều khách du lịch khi đến Nha Trang. Ở bên cầu Trí Nguyên là chợ dân sinh mua bán sầm uất. Trên bờ, tuy có 2 dãy thùng rác, song ở mặt biển dưới chân cầu vẫn tràn ngập rác thải. Hai con đường bên bờ biển là nơi buôn bán hải sản chủ yếu của người dân trên đảo đánh bắt trong đêm. Bà Phạm Thanh Thi buôn bán ở chợ Trí Nguyên cho hay: “Rác thải ở dưới mặt biển một phần theo sóng biển trôi dạt vào, một phần do người dân và khách du lịch đến đảo vứt xuống. Nước từ quá trình buôn bán hải sản đều chảy hết xuống biển nên nhiều thời điểm có mùi hôi tanh, đặc biệt thời điểm nắng nóng".

anh-5.jpg
Lồng bè nuôi trồng thủy sản khu vực đảo Trí Nguyên.

Trên đảo cũng có hàng trăm ô lồng nuôi tôm, cá mú..., có các nhà ghép bằng gỗ, lợp tôn trên lồng, bè. Lượng rác thải, chất thải phát sinh từ hàng trăm ô lồng bè NTTS, ăn uống trên biển vẫn là một mối lo cho môi trường biển vịnh Nha Trang. Rác thải tuy đã được chủ lồng bè thu gom nhưng trôi nổi trên biển còn nhiều, nước để chế biến hải sản, sinh hoạt trên lồng bè hiện nay phần lớn đều xả hết xuống biển. Để xử lý lượng rác trên biển tại các đảo: Trí Nguyên, Bích Đầm, Vũng Ngán, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Nha Trang phải tổ chức đội thu gom rác trên biển với 18 công nhân. Mỗi ngày, các công nhân phải di chuyển bằng thuyền, luồn lách qua các ô lồng bè để gom rác rất vất vả. Ước tính mỗi ngày, đội thu gom được 3 - 4 tấn rác.

Làng chài Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên) là đảo xa nhất của TP. Nha Trang, mất 60 phút đi bằng tàu gỗ. Hôm đến đảo, chúng tôi nhận thấy công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên đảo rất tốt, rác thải nhựa được người dân thu gom vào những bao tải lớn. Làn nước biển trong xanh màu ngọc bích làm cho khung cảnh nơi đây đẹp hiếm có. Theo ông Trương Đình Vịnh (Tổ dân phố Bích Đầm), đảo Bích Đầm có 228 hộ dân sinh sống với khoảng 880 nhân khẩu, hoạt động kinh tế chính là khai thác và NTTS. Tổ dân phố Bích Đầm ở vị trí gần phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vì vậy, các hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép, xả rác thải nhựa, gây ô nhiễm môi trường là mối nguy hại cho rạn san hô ở Hòn Mun và rộng hơn là vịnh Nha Trang. "Trên vùng biển, đảo Bích Đầm có khoảng 30 lồng bè NTTS nên cũng tiềm ẩn những nguy cơ ô nhiễm môi trường biển từ nước, rác thải. Trên đảo chưa có hệ thống thu gom nước thải nên chủ yếu ngấm xuống đất, chảy ra biển. Có những mùa, rác thải thường xuyên theo dòng nước tấp vào đảo với số lượng lớn. Đây là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường đảo”, bà Nguyễn Thị Liễu (Tổ dân phố Bích Đầm) cho hay.

2(5).jpg

Ông Trần Quang Thịnh - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết, hiện nay, ở đảo Trí Nguyên và Bích Đầm tuy đã có đội công nhân thu gom rác thải trên đảo và mặt biển, nhưng lượng rác quá lớn nên chưa thu gom triệt để được. Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, giữ màu xanh cho các vùng biển, đảo Trí Nguyên và Bích Đầm; các đội liên ngành thường xuyên đến từng lồng bè để tuyên truyền cho người dân giữ vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, nước thải từ trên đảo, lồng bè hiện nay chủ yếu vẫn là ngấm xuống đất hoặc chảy trực tiếp ra biển. Đảo Trí Nguyên và Bích Đầm đang được định hướng trở thành những điểm du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm trên đảo. Do đó, về lâu dài cần có biện pháp đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên các đảo. Cùng với đó, có thể chuyển đổi cho ngư dân từ đánh bắt thủy sản hiệu quả thấp sang NTTS theo công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

“Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề cương và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ “Kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang”. Nhiệm vụ này sẽ điều tra, thống kê và lập bản đồ vị trí các nguồn xả thải (nước thải, chất thải rắn) vào vịnh Nha Trang; lập danh mục các nguồn phát sinh, quy mô thải, thải lượng và mức độ xử lý trớc khi xả ra môi trường; đề xuất các giải pháp kiểm soát nguồn thải… để giữ sự trong xanh cho biển Nha Trang”.

Ông Trần Hòa Nam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

anh-16.jpg
anh-27.jpg
Công nhân thu gom rác thải trên vịnh Nha Trang.

Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học cho rằng, đối với việc NTTS bằng lồng bè ở vịnh Nha Trang, để vừa giải quyết vấn đề môi trường, vừa tạo được sinh kế lâu dài cho người dân cần phải đề ra các giải pháp, vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi thành mô hình NTTS kết hợp du lịch. Mỗi khu vực NTTS được thực hiện một cách bài bản để trở thành một điểm du lịch. Phương pháp NTTS bằng lồng bè phải thân thiện với môi trường từ thức ăn đến quản lý chất thải. Cùng với đó, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động du lịch ở vịnh Nha Trang cần phải có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ các vùng biển quanh các đảo như: Trí Nguyên, Hòn Tằm, Hòn Tre…

Tuy nhiên, qua trao đổi, nhiều người dân trên đảo Bích Đầm chia sẻ rằng, việc đầu tư lồng bè NTTS cần nguồn kinh phí rất lớn, rủi ro cao vì môi trường nước biển hiện nay không đảm bảo. Trong khi đời sống kinh tế người dân trên đảo chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản nên rất bấp bênh, rất khó chuyển đổi nếu không được sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thời gian qua, thành phố đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai các hoạt động, giải pháp thuộc Dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang” do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP) tài trợ. Dự án hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các doanh nghiệp tư nhân có khai thác, sử dụng khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang về bảo vệ môi trường và bảo tồn rạn san hô, duy trì sinh kế cho cộng đồng và phát triển bền vững biển, đảo; giảm ô nhiễm rác thải nhựa và suy thoái rạn san hô; tạo sinh kế bền vững cho cư dân Tổ dân phố Bích Đầm…

Thời gian tới, thành phố tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề xuất, xây dựng đề cương dự án về sinh kế bền vững của cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang gửi Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu giai đoạn 2; hoàn thành đề cương Đề án Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững tại Bích Đầm.

6.jpg

Nội dung: THÁI THỊNH
Địa chỉ: 77 Yersin, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Trình bày:
TÙNG QUÂN

footer.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-Magazine: Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang - Bài 3: Xanh hóa những làng chài giữa biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO