Môi trường

Vườn Quốc gia Tà Đùng: Chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Phạm Hoài 24/01/2025 - 12:43

(TN&MT) - Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông) với diện tích 20.937,7 ha, trong đó có 16.176,65 ha đất có rừng. VQG Tà Đùng có thảm thực vật rừng rộng lớn với sự đa dạng của các hệ sinh thái và sinh cảnh phù hợp cho sự cư trú, sinh trưởng, phát triển của khu hệ động vật phong phú.

VQG Tà Đùng hiện có hơn 1.400 loài thực vật với 89 loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, 59 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam; khoảng 650 loài động vật với 70 loài nguy cấp quý hiếm, 61 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Tà Đùng được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, khu vực bảo tồn cảnh quan Nam Trường Sơn, một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt - một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới.

vqg-ta-dung.jpg
Hệ sinh thái tại Vườn Quốc gia Tà Đùng hết sức phong phú và đa dạng.

Theo đại diện Hạt Kiểm lâm VQG Tà Đùng, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Tà Đùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, dân di cư ngoài quy hoạch diễn biến phức tạp có nguy cơ tác động đến công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học bất cứ lúc nào. Hiện vẫn còn một bộ phận người dân có lịch sử canh tác lâu đời sinh sống trong vùng lõi rất khó quản lý, có nguy cơ tác động đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ việc săn bắn, khai thác các sản vật rừng.

Không chỉ có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, VQG Tà Đùng có khoảng 36 dân tộc cùng sinh sống; các cộng đồng này còn lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc; văn hóa truyền thống và nơi sinh sống của các dân tộc sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo đặc trưng tại VQG Tà Đùng… Để phát triển du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững, tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát triển bền vững VQG Tà Đùng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Quy hoạch này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tốt tiềm năng và thế mạnh của VQG Tà Đùng.

Theo ông Khương Thanh Long - Giám đốc Ban Quản lý VQG Tà Đùng, cùng với các giải pháp nêu trên, Ban Quản lý còn luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng, lợi ích của rừng, phổ biến Luật Lâm nghiệp,… cho người dân sinh sống xung quanh VQG; tăng cường phối hợp với các trường đại học và các tổ chức trong nước như: Đại học Lâm nghiệp, Đại học Tây Nguyên, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Sinh thái rừng,… để thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học tại VQG Tà Đùng như: Điều tra cây gỗ lớn tại VQG Tà Đùng, điều tra khu hệ nấm,… góp phần từng bước ổn định cơ sở dữ liệu về bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Tà Đùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn Quốc gia Tà Đùng: Chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO