Môi trường

Đắk Nông quản lý, bảo vệ rừng: Hướng tới trung hòa các-bon

Phạm Hoài (thực hiện) 22/03/2024 - 12:02

(TN&MT) - Tỉnh Đắk Nông hiện có trên 248.340ha rừng, trong đó, 196.358ha là rừng tự nhiên. Cùng với quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, hướng tới trung hòa và bán tín chỉ các-bon. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

ong-yen-copy.jpg
Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

Đắk Nông hiện có gần 293.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 45% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát gần đây, tổng diện tích đất có rừng là 251.000ha. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Tà Đùng với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha, có tỷ lệ che phủ hơn 85% diện tích vùng lõi, hơn 48% rừng nguyên sinh và hơn 36% rừng thứ sinh các loại, được đánh giá là kho lưu trữ các-bon lớn.

PV: Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, cũng như hỗ trợ các đơn vị quản lý phát triển kinh tế rừng hiệu quả. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Lê Trọng Yên: Trong bối cảnh rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về phương diện môi trường lẫn kinh tế, Đắk Nông cũng như các địa phương khác trên cả nước đang được hưởng những chính sách ưu đãi lớn từ Nhà nước như hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ… Đây là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 35/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông được giao làm chủ đầu tư, với kinh phí thực hiện gần 893 tỷ đồng.

Trọng tâm của Đề án là quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư sống trong và gần rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2025 đạt trên 40%, đến năm 2030 là trên 42%, tương đương mức bình quân cả nước; nỗ lực bảo vệ hơn 248.000ha rừng, giảm thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; chú trọng đến công tác bảo tồn, phát triển, theo dõi, giám sát, cứu hộ và phát triển sinh vật, đặc biệt là các loài động, thực vật nguy cấp trong các khu rừng có giá trị bảo tồn cao.

Ngoài việc quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, tỉnh Đắk Nông còn chú trọng xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế rừng như: chăn nuôi dưới tán rừng; khai thác lồ ô, tre nứa; trồng cây đặc sản trong rừng tự nhiên; trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... góp phần tăng doanh thu cho các đơn vị quản lý bảo vệ rừng,

anh-2-2-copy.jpg
Tiềm năng phát triển kinh tế rừng tại Đắk Nông rất lớn

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, triển vọng phát triển kinh tế rừng của tỉnh Đắk Nông theo phương thức mua bán tín chỉ các-bon?

Ông Lê Trọng Yên: Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có gần 293.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 45% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát gần đây, tổng diện tích đất có rừng là 251.000ha. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Tà Đùng với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha, có tỉ lệ che phủ hơn 85% diện tích vùng lõi, hơn 48% rừng nguyên sinh và hơn 36% rừng thứ sinh các loại, được đánh giá là kho lưu trữ các-bon lớn.

Hiện nay, việc xây dựng tín chỉ các-bon rừng còn khá lạ lẫm ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng. Tuy nhiên, đây là xu thế tất yếu trong tương lai. Việc này không chỉ tăng thêm thu nhập cho các đơn vị chủ rừng mà góp phần không nhỏ vào việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng. Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Đắk Nông sẽ phát hành tín chỉ các-bon, ước tính thu về 10 USD/tín chỉ.

PV: Trước xu thế, tiềm năng thu lợi từ việc bán tín chỉ các-bon đối với nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, địa phương có kế hoạch triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Quá trình xây dựng tín chỉ các-bon, tỉnh đã triển khai nhiều vấn đề mang tính định hướng. Trước mắt, tỉnh Đắk Nông xây dựng phương án quản lý bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có; tiếp tục triển khai phát triển các loại cây rừng cho hiệu quả cao về tín chỉ các-bon, chú trọng phát triển cây trồng đa mục đích, hiệu quả về kinh tế và tăng độ che phủ. Đặc biệt, bám sát Nghị quyết của Trung ương và cơ chế chính sách để thí điểm xây dựng thị trường tín chỉ các-bon; đồng thời, đồng bộ mục tiêu phát triển rừng, trong đó, ưu tiên đảm bảo sinh kế người dân; ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng, phát triển thị trường tín chỉ các-bon.

Triển khai Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, các chuyên gia đã nghiên cứu và đưa ra một số ý tưởng đột phá thúc đẩy quá trình tham gia thị trường tín chỉ các-bon và hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nhôm phát thải các-bon thấp tại Việt Nam. Cho tới thời điểm này, Đắk Nông là 1 trong 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham gia sáng kiến của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) với mục tiêu chấm dứt nạn mất rừng tự nhiên.

Hiện tại, một số chủ rừng, công ty lâm nghiệp trên địa bàn Đắk Nông đã tìm hiểu, nghiên cứu việc đo đạc trữ lượng, xây dựng định hướng phát triển kinh tế thông qua mua bán tín chỉ các-bon. Đơn cử, Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã chủ động liên hệ với các trường đại học, các cơ sở giáo dục trong nước để tìm hiểu việc xây dựng tín chỉ các-bon. Công ty cũng triển khai tìm các đơn vị, nhà tư vấn về định lượng các-bon.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông quản lý, bảo vệ rừng: Hướng tới trung hòa các-bon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO