Tài nguyên

Đồng Nai: Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng

Tường Tú 24/01/2025 - 11:33

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai".

ctd.jpg
Đồng Nai phấn đấu trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về năng lực và hiệu quả quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, mục đích của Kế hoạch trên là nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định số 3458/QĐ-BNN-BVTV ngày 11/10/2024 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý sức khỏe đất để hướng tới sản xuất ngành nông nghiệp bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp; giúp người sản xuất nông nghiệp giảm chi phí phát sinh, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đảm bảo sản xuất bền vững; đồng thời, tuyên truyền và phổ biến đến các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về sức khỏe của đất có tác động đến các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch cũng yêu cầu phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện, kiểm tra, giám sát đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Về mục tiêu chung là nhằm ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, bao gồm đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính và sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực; đồng thời, xây dựng và hoàn thiện được quy trình canh tác hợp lý gắn với sử dụng phân bón hiệu quả, giảm thất thoát chất dinh dưỡng trên các loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực, góp phần ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh vật có ích, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và sự quan tâm của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho năm 2030, phấn đấu tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về năng lực và hiệu quả quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng.

Về nhiệm vụ trọng tâm, Đồng Nai tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của sức khỏe đất với sản xuất trồng trọt; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về sức khỏe đất, đặc biệt đối với đối tượng là cán bộ quản lý, chuyên môn tại địa phương; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương; chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án của địa phương về quản lý phân bón, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế; lồng ghép các nội dung về tăng cường sức khỏe đất trồng trọt với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất và cơ sở dữ liệu phân bón.

Đồng thời, Đồng Nai chủ động triển khai các hoạt động giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu; điều tra, đánh giá đất trồng trọt, hiệu quả sử dụng phân bón làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và từng loại cây trồng của địa phương; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng đất sản xuất trồng trọt và phân bón; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO