Môi trường

Cẩm Giàng (Hải Dương): Cần nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn

Kiên Cường 21/01/2025 - 08:06

(TN&MT) - Qua thời gian, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn, đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Người dân nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, giảm chi phí xử lý rác thải và tạo được nguồn phân bón hữu cơ phục vụ cây trồng. Mô hình này cần được phát huy và nhân rộng.

Chúng tôi về xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) sau thời gian được chọn thí điểm là địa phương thực hiện “phân loại rác thải tại nguồn”. Các con đường thôn, ngõ xóm đều sạch sẽ. phong quang... mỗi hộ gia đình ở cổng đều ngay ngắn 3 thùng được rác, được phân loại rõ ràng đựng: chất thải hữu cơ, chất thải tái sử dụng, tái chế và chất thải rắn.

img_6513.jpg
Thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn, các con đường thôn xóm của xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng sạch bóng

Ông Nguyễn Văn Sáng, thôn Văn Thai, vừa mang rác phân loại từ nhà ra thùng rác, vui vẻ cho biết: Người dân trong thôn chúng tôi nay đã quen việc phân loại rác rồi! Hiện không còn tình trạng rác thải vứt thành từng đống lung tung như trước đây, các gia đình đều tự giác thực hiện đúng quy trình hướng dẫn phân loại rác, để lại các loại rác hữu cơ để ủ làm phân bón cho trồng rau, cây cảnh… tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bà Hà Thị Xuân, Chi hội trưởng phụ nữ xóm Cầu 3, thôn Văn Thai hồ hởi: Mô hình phân loại rác tại nguồn đã thay đổi hẳn diện mạo của làng quê sạch sẽ, khang trang và nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đường thôn ngõ xóm nay đã không còn tình trạng ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt của các gia đình, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể… mỗi hộ gia đình được phát 3 thùng đựng rác đều ý thức phân loại rác theo đúng hướng dẫn, hàng ngày có tổ thu gom vận chuyển đi xử lý. Rác thải hữu cơ được các gia đình ủ làm phân, đã giảm được lượng lớn rác thải vận chuyển đến nhà máy xử lý. Việc phân loại rác tại nguồn lợi cả đôi đường, giảm được ô nhiễm môi trường, đóng góp được lượng phân hữu cơ bón cho cây trồng và chị em phụ nữ thu gom được phế liệu, bán gây quỹ giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, tuy của ít lòng nhiều để cho chị em vươn lên trong cuộc sống.

img_6505.jpg
Mỗi hộ gia đình đều có 3 thùng được rác được đặt ngay ngắn trước cổng nhà

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Nghĩa, Trưởng phòng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng, cho biết: Ngày 12/10/2023, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Công văn số 3813/UBND – VP về việc: Hỗ trợ kinh phí cho xã Cẩm Văn thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn. Huyện Cẩm Giàng đã có Văn bản số 1099/UBND – TNMT ngày 18/10/2023 chỉ đạo UBND xã Cẩm Văn tổ chức triển khai, thực hiện mô hình thí điểm trên địa bàn xã. Xã Cẩm Văn đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo và 7 Tiểu ban tuyên truyền xử lý, hướng dẫn, phân loại rác tại nguồn đến từng hộ gia đình. Xã đã huy động các tổ chức chính trị, xã hội cùng vào cuộc thực hiện và bắt đầu thực hiện việc phân loại rác từ ngày 1/3/2024.

Việc thu gom rác thải được xã Cẩm Văn giao Tổ vệ sinh môi trường gồm 7 thành viên, đến từ hộ gia đình thu gom rác thải sau phân loại. Việc vận chuyển rác thống nhất: Đối với chất thải thực phẩm theo từng thôn, khu dân cư 2 ngày vận chuyển một lần, đối với chất thải rắn sinh hoạt khác, tùy theo khu vực người thu gom sẽ căn cứ vào thực tế, mỗi tuần ít nhất 3 lần thu gom ra bãi tập kết tạm thời, việc thu gom thống nhất xong trước 8 giờ sáng. Quá trình thu gom, thành viên tổ môi trường thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác, nhắc nhở các gia đình không phân loại, phân loại chưa đúng, phải thực hiện đảm bảo việc phân loại thì tổ thu gom mới chuyển rác của các hộ đi.

img_6509.jpg
Phân loại rác tại nguồn đã nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường

Xã Cẩm Văn có 2.593 hộ, với 9.344 nhân khẩu hàng ngày, lượng rác thải phát sinh 4.512,4kg và 2,5 tấn rác từ phụ phẩm nông nghiệp. Ban Chỉ đạo của xã giao cho các thành viên và Hội Nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên… đến từng hộ gia đình hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra sát sao việc phân loại rác. Các thôn thường xuyên phát loa tuyên truyền hướng dẫn và tuyên dương hộ gia đình trong thôn thực hiện đúng, nghiêm túc việc phân loại rác, phê bình và nhắc nhở hộ gia đình không thực hiện và thực hiện chưa đúng.

Chính vì vậy, thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xã Cẩm Văn đã có 100% hộ gia đình tham gia, 380 hộ gia đình thực hiện ủ chất thải thực phẩm tại nhà và 2.132 hộ tham gia ủ tập trung. Các hộ ủ rác thải hữu cơ tại nhà theo mô hình “Phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO” nước rỉ rác sử dụng để tưới cây cảnh, cây rau màu.. còn “bã” sau ủ được dùng bón cho cây trồng.

Qua thời gian thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở xã Cẩm Văn cho thấy 10% chất thải rắn của hộ gia đình có thể tái chế (nhựa, giấy, kim loại…), 39% chất thải rắn sinh hoạt (thức ăn thừa, cọng rau, chất thải có thành phần hữu cơ), một phần tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, còn lại được thu gom để ủ tập trung tạo thành phân compost để cải tạo đất và chỉ còn lại 51% chất thải rắn sinh hoạt khác được vận chuyển đến Nhà máy xử lý rác thải (giảm được 49% lượng rác thải phải đem đi xử lý).

img_6503(1).jpg
Phân loại rác tại nguồn, xã Cẩm Văn đã giảm được 49% lượng rác thải phải đem đi xử lý

Thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã Cẩm Văn, Huyện ủy huyện Cẩm Giàng đã có Thông báo số 1019/TB/HU về việc: Nhân rộng mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Cẩm Giàng. Ông Nguyễn Khắc Nghĩa, Trưởng phòng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng cho biết: Mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã mang lại nhiều kết quả cần được nhân rộng trên địa bàn huyện. Người dân đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trước việc bảo vệ môi trường, giảm chi phí chất thải thực phẩm, giảm lượng rác thải mang đi đốt và chi phí xử lý rác, giảm được áp lực và gánh nặng về môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩm Giàng (Hải Dương): Cần nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO