Từ nhiều năm nay, VQG Tà Đùng được đánh giá là một trong những khu vực giữ được màu xanh lớn với lớp thảm thực vật rừng rộng chiếm tỷ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi. Rừng Tà Đùng còn có vai trò rất quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn của sông Sêrêpốk và sông Đồng Nai.
Theo lãnh đạo VQG Tà Đùng, có được thành quả đó có sự đóng góp rất lớn từ những người dân bản địa được nhận giao khoán, bảo vệ chăm sóc rừng. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT có buổi trò chuyện với ông Khương Thanh Long – Giám đốc VQG Tà Đùng.
Phóng viên: Thưa ông! Được biết VQG Tà Đùng là một trong những đơn vị đi đầu của tỉnh Đắk Nông về quản lý bảo vệ rừng. Ông có thể chia sẻ cách làm cũng như quá trình triển khai một số giải pháp ?
Ông Khương Thanh Long – Giám đốc VQG Tà Đùng: Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Đắk Nông, Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng thuộc địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk Glong có diện tích 20.937,7 ha, trong đó có 16.176,65 ha đất có rừng. Thời gian qua, để thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý phòng cháy rừng, phòng chống tội phạm đa dạng sinh học, Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng đã thành lập các tổ khoán rừng với lực lượng nòng cốt là cộng đồng người dân tộc ở hai vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Từ khi thành lập, các tổ khoán rừng đã tích cực tham gia công tác quản lý rừng được giao. Họ cùng với cán bộ của Vườn, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra phòng cháy rừng, phát hiện các đối tượng săn bắt động vật trái phép. Lực lượng tuần tra này làm việc cả ngày và đêm, quyết tâm không để các đối tượng đặt bẫy thú, xâm hại đến đa dạng sinh học vườn quốc gia.
Ban Quản lý VQG Tà Đùng đã làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ vi phạm lâm luật. nhiều năm nay, đơn vị luôn chú trọng và tích cực tuần tra, bảo vệ rừng để đảm bảo hệ thực vật luôn ổn định, tránh những tác động của con người vào quá trình sinh sống các loại động vật. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng cùng tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu và nắm bắt được quy định của pháp luật quản lý bảo vệ rừng.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cụ thể một số nội dung cũng như kết quả mang lại khi thực hiện mô hình tổ giao khoán ?
Ông Khương Thanh Long – Giám đốc VQG Tà Đùng: Từ khi thành lập các tổ khoán rừng đã góp phần tích cực vào bảo tồn đa dạng sinh học. Người dân nhận đất rừng khoán tiến hành trồng cây Giáng hương trên lâm phần quản lý. Ngoài ra, tổ khoán rừng được xem là lực lượng tích cực cùng với kiểm lâm, ban quản lý vườn tham gia phòng chống các hoạt động vi phạm đến môi trường rừng như săn bẫy động vật, phá rừng làm nương rẫy, vi phạm vào diện tích đất rừng.
Ngoài chi trả kinh phí giao khoán rừng, Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng còn thuê nhân công là các hộ dân sinh sống quanh phần đệm làm việc cho Vườn, giúp họ có thêm việc làm, kinh tế cải thiện. Mọi người tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, phòng chống nạn săn bắn, mua bán động vật hoang dã. Người dân tham gia vào quản lý, trồng rừng bảo vệ rừng còn được trang bị thêm kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đó, khi trở về gia đình, buôn làng họ được ví như "đại sứ" truyền thông, vận động người thân, dòng họ, dân tộc mình về vai trò của bảo vệ rừng, bảo vệ động, thực vật hoang dã, không mua bán động, thực vật hoang dã.
Vườn Quốc gia Tà Đùng đang giao khoán bảo vệ hơn 3.000 ha rừng cho 153 hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã Đắk Som, Đắk R’măng (Đắk Glong, Đắk Nông) và xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (Đam Rông, Lâm Đồng). Phương án khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021 – 2025 đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho các hộ gia đình sống trong vùng đệm của Vườn Quốc gia với mức thu nhập hơn 12 triệu đồng/năm.
Phóng viên: Để công tác bảo vệ rừng ngày một hiệu qủa hơn nữa, VQG đã có những kế hoạch, chính sách như thế nào để hỗ trợ các hộ giao khoán ?
Ông Khương Thanh Long – Giám đốc VQG Tà Đùng: Trên cơ sở diện tích giao khoán, hàng năm, đơn vị đã tiến hành chi trả cho các hộ dân từ 15 – 20 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài chi trả tiền nhận khoán bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Tà Đùng còn ưu tiên thuê các hộ dân sống gần rừng thực hiện các công trình lâm sinh như trồng rừng, phòng chống cháy rừng… Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Vườn quốc gia Tà Đùng đã tiến hành hỗ trợ cho 26 cộng đồng vùng đệm thực hiện các công trình công cộng với tổng kinh phí khoảng 1,04 tỉ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn huy động người dân chia thành 14 tổ nhận khoán bảo vệ rừng.trung bình mỗi năm, các tổ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm đơn vị tổ chức khoảng 1.500 lượt tuần tra, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đặc biệt là chú trọng đến lợi ích của người dân sống gần rừng nên từ năm 2012 đến nay trên lâm phần do đơn vị quản lý không để xảy ra vụ cháy rừng nào đáng kể. Đặc biệt, các hộ dân đã phối hợp với Vườn quốc gia Tà Đùng trồng được trên 617ha rừng; các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng đã được hạn chế đến mức thấp nhất.
Xin cám ơn ông!