Viên ngọc thô
Vườn Quốc gia Bái Tử Long có tổng diện tích 15.780ha, trong đó, diện tích đảo nổi 6.125ha, với hơn 80 hòn đảo và 9.658ha mặt nước biển và một trong số 7 vườn quốc gia trong nước được giao quản lý cả hệ sinh thái rừng và biển. Vườn Quốc gia Bái Tử Long có 6 hệ sinh thái rừng biển cơ bản bao gồm: Hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái vùng bãi triều, hệ sinh thái hồ - hang động, hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới. Đặc biệt, Vườn có một số loài quý hiếm có giá trị bảo tồn, giá trị khoa học và kinh tế cao, như: Lát hoa, trai lý, ba kích, khỉ vàng, san hô, bào ngư, sá sùng, rùa biển, cá heo...
Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long cho biết, Vườn như một viên ngọc xanh quý giá của vùng biển Đông Bắc nước ta và được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vinh danh là Vườn Di sản của ASEAN, đây là cơ hội lớn để chúng ta đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái.
Đến nay, Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã kiện toàn Ban Xúc tiến phát triển hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường trực thuộc Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế. Xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án đã được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2566/QĐ-UBND ngày 24/6/2019.
Xây dựng mô hình điểm về du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn biển tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long; Dự án “Tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Di sản ASEAN - Vườn Quốc gia Bái Tử Long”; Phối hợp với UBND huyện Vân Đồn ký kết Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý và UBND huyện Vân Đồn trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Vườn Quốc gia Bái Tử Long - Vườn Di sản ASEAN.
Ban Quản lý Vườn đã tổ chức hội nghị doanh nghiệp du lịch và tiếp thị du lịch sinh thái, tập huấn diễn giải du lịch sinh thái, tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện quy hoạch du lịch, từng bước thành lập bộ máy Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, xúc tiến các hoạt động du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, xây dựng các tour, tuyến tham quan, các điểm dừng chân, thúc đẩy việc quảng bá, tiếp thị du lịch bằng nhiều hình thức phong phú.
Du khách tham quan rừng tràm cổ thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Ảnh: MH |
Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái
Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên những đảo đá Ba Mùn, Trà Ngọ Lớn, Trà Ngọ Nhỏ, Sậu Nam, Sậu Động, Đông Ma… nằm liền nhau, tạo thành 1 vòng cung kép kín. Vùng bên trong vòng cung là môi trường sống của rất nhiều loài động thực vật quý hiếm. Không chỉ có vườn và núi đá vôi, Vườn Quốc gia Bái Tử Long còn có các hang động kì bí nằm bên dưới những núi đá vôi, trong đó, hang Cái Đé - hang động đá vôi lớn nhất vịnh Hạ Long - Bái Tử Long là một địa chỉ thu hút rất đông du khách đến tham quan.
Đặc biệt, đảo Ba Mùn là một trong những cụm đảo lớn nhất, đẹp nhất và có hệ thực vật phong phú nhất của Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Đảo Ba Mùn là đảo phiến thạch duy nhất có rừng nguyên sinh của vịnh Hạ Long với diện tích khoảng 1.800 ha, sở hữu hệ động thực vật vô cùng phong phú, trong đó, có nhiều loài quý hiếm. Về thực vật nổi bật nhất là loài Trâm đỏ và các loài khác như lim, sến, táu…
Đặc biệt, đảo Ba Mùn có quần thể nai vàng hiện còn khá đông và cũng là một quần thể duy nhất ở vùng Đông Bắc - Việt Nam. Ngoài ra, còn các loại động vật khác như: Sơn dương, hươu, khỉ, voọc... cùng các loài chim biển, chim di cư. Với các loài động vật phong phú, đảo Ba Mùn là khu bảo tồn động vật hoang dã tự nhiên lớn nhất ở vùng Đông Bắc. Đây cũng là nơi đặt trung tâm cứu hộ động vật biển lớn nhất miền Bắc nước ta.
Ngoài đảo Ba Mùn, hang luồn Cái Đé được đánh giá là một trong những hang động đẹp và hấp dẫn du khách du lịch mạo hiểm nhất vịnh Bái Tử Long. Hay Thung áng Hang Dơi nằm ở khu vực Cái Lim, đảo Trà Ngọ Lớn và Hang Soi Nhụ có hệ sinh thái đa dạng. Nơi đây còn là di tích khảo cổ nổi tiếng có dấu vết người Việt Cổ sinh sống từ 14.000 năm trước.
Với các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất đa dạng và đặc sắc của mình, Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã và đang làm điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước. Để bảo tồn và phát triển bền vững môi trường, bên cạnh sự chỉ đạo hoạch định chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, Vườn Quốc gia cần sự tham gia chặt chẽ, toàn diện của các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân địa phương cũng như mỗi khách du lịch đến tham quan, để biến “món quà” của tạo và thành viên ngọc quý.
Vườn Quốc gia Bái Tử Long nằm trong quần thể du lịch vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tổng diện tích vườn quốc gia Bái Tử Long là 15.780ha, trong đó, đất rừng chiếm 6.125ha nằm trên 40 hòn đảo khác nhau còn lại là diện tích mặt nước biển, bãi triều ngập nước. Vườn hiện có 2.247 loài sinh vật, trong đó, nhóm sinh vật trên cạn có 1.004 loài, nhóm sinh vật biển có 1.244 loài. Số loài có tên trong Sách đỏ thế giới, Sách đỏ Việt Nam và Nghị định 32 của Chính phủ là 180 loài.