Vụ suối A Lin “chảy máu” do khai thác cát ở Thừa Thiên Huế: Hé lộ sai phạm “khủng” của doanh nghiệp

Văn Dinh| 18/11/2019 12:21

(TN&MT) - Các doanh nghiệp đã để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong khai thác, sử dụng cát sỏi phục vụ thi công dự án Nhà máy thủy điện A Lin B1 (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Điều này đã tác động lớn đến việc dòng suối A Lin gần đó bị băm nát, thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Nạn khai thác cát sỏi khiến suối A Lin bị băm nát

Liên quan đến vụ việc “Suối A Lin chảy máu vì nạn khai thác cát sỏi trái phép tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” mà báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đang phản ánh, ngày 18/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, vừa có kết luận thanh tra số 403/KLTT - UBND về việc khai thác, sử dụng cát sỏi phục vụ thi công dự án Nhà máy thủy điện A Lin B1 do Công ty CP Thủy điện Trường Phú làm chủ đầu tư.

Để thi công dự án thủy điện A Lin B1, Công ty CP Thủy điện Trường Phú đã thuê 4 công ty làm nhà thầu thi công theo hình thức hợp đồng, gồm Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Công ty TNHH MTV Ngọc Tùng, Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4- CTCP và Công ty Cổ phần Xây dựng 43. Tổng khối lượng cát, sỏi cần sử dụng để phục vụ thi công các hạng mục công trình trên địa bàn huyện A Lưới theo thiết kế là 93.151m3. Ngoài ra, các nhà thầu đã sử dụng 1.147,5m3 cát, sỏi để thi công các công trình phụ trợ khác. Đến nay, tổng khối lượng cát, sỏi đã khai thác, sử dụng phục vụ thi công là 78.202m3.

Theo kết luận, Công ty CP Thủy điện Trường Phú chưa thực hiện kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường đối với 15.113m3 cát, sỏi; thiếu trách nhiệm trong giám sát để các nhà thầu khai thác cát, sỏi trái phép trong khu vực dự án; sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp phục vụ thi công công trình. Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện ngay việc kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường.

Tổng Công ty Xây dựng 43 đã khai thác, sử dụng 17.500m3, trong đó có 1.200m3 được đơn vị khai thác vượt khối lượng cho phép tại khu vực lòng hồ thủy điện từ ngày 1/12/2015- 20/3/2016. Đơn vị chưa kê khai nộp thuế, phí đối với khối lượng này. Công ty cũng chưa kê khai nộp thuế, phí đối với 1.000m3 cát, sỏi được khai thác tại khu vực hạ lưu công trình A Lin 3 từ ngày 26/3/2016 – 5/7/2016. Đặc biệt, Tổng Công ty Xây dựng 43 đã khai thác trái phép 11.500m3 cát, sỏi tại khu vực lòng hồ và không thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan. Chốt lại, Tổng Công ty Xây dựng 43 đã khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực lòng hồ A Lin B1 với khối lượng 13.700m3.

Dòng suối A Lin đục ngầu, ô nhiễm và nguồn tài nguyên cát bị thất thoát

Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4- CTCP đã khai thác, sử dụng 59.813m3 cát, sỏi để thi công, trong đó có 28.000m3 được khai thác trong quá trình tuyển đất, đá, cát, sỏi dôi dư khi thực hiện công tác đào móng để đắp đập. Khối lượng khoáng sản này, đơn vị thi công không thực hiện đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, Công ty này cũng chưa kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường đối với 2.000m3 cát, sỏi được đơn vị khai thác tại vùng lòng hồ và hạ lưu công trình đập dâng A Lin 3.

“Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4- CTCP chưa kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường đối với 30.000m3 cát, sỏi được đơn vị khai thác tại tận thu; không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác đối với 28.000m cát, sỏi tận thu khi thi công đào móng đập và dùng đắp đập A Lin 3. Ngoài ra, công ty cũng đã thực hiện sàng, tuyển rửa thu hồi cát, sỏi phát sinh trong quá trình đào móng đập A Lin 3 tại khu vực lòng suối cách đập 500m về hạ lưu. Việc làm này chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, gây bồi lấp lòng suối và chưa có biện pháp bảo vệ môi trường...’, kết luận nêu rõ.

Đối với Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô đã mua 585,6m3 cát, sỏi để thi công các công trình theo hợp đồng. Tuy nhiên trong đó có đến 424,6m3 được đơn vị mua với 2 doanh nghiệp đã thực hiện khai thác trái phép vào năm 2015 tại xã Hồng Quảng (huyện A Lưới). Còn Công ty TNHH MTV Ngọc Tùng đã mua 45m3 sạn có nguồn gốc từ doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng Hùng Sen được khai thác trái phép vào năm 2015 tại xã Hồng Quảng.

Cũng theo kết luận, đoàn thanh tra phát hiện và đo đếm được diện tích 26.531,6m2 có dấu vết khai thác vượt ra ngoài phạm vi cấp phép. Khu vực hạ lưu đập A Lin 3, dọc suối A Lin khoảng 2km về hạ lưu đập có nhiều vị trí cho thấy dấu hiệu khai thác trái phép...

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra thực tế tại lòng hồ thủy điện A Lin B1. Nhiều doanh nghiệp sai phạm và đã bị xử phạt

Như đã phản ánh, người dân các xã Hồng Vân, Hồng Trung... (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) bức xúc, khi khoảng tháng 5 - 6/2019 có nhiều doanh nghiệp đã đưa máy móc vào lập đường cày xới con suối A Lin để khai thác cát.

Dọc theo con suối, PV nhận thấy vẫn còn nguyên những dấu vết của việc khai thác cát, sỏi bằng máy móc để lại. Hiện trường là những khối đá còn lởm chởm, sâu hoắm khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Có những đoạn là những ụ cát, sỏi to và cao. Một đoạn suối dài khoảng hơn 2km từ chân đập dâng, tràn xã lũ thuộc cụm đồi mối A Lin 3- Thủy điện A Lin B1 xuôi về phía hạ nguồn tan hoang. Trên mặt đường dọc con suối vẫn còn hằn nguyên dấu lốp xe ô tô, vết xích máy múc. Nước suối luôn trong tình trạng bị cạn kiệt, vàng đục...

Đầu tháng 7/2019, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã thực hiện hiện kiểm tra thực địa việc khai thác khoáng sản tại suối A Lin. Do vi phạm trong quá trình thi công dự án Nhà máy Thủy điện A Lin B1, vừa qua UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Xây dựng 43 số tiền 90 triệu đồng, Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4- CTCP bị xử phạt số tiền 120 triệu đồng.

UBND tỉnh cũng giao Sở TN&MT hoàn tất các thủ tục để thu hồi số tiền đối với khối lượng khoáng sản mà các đơn vị vi phạm đã sử dụng trái phép theo quy định của nhà nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ suối A Lin “chảy máu” do khai thác cát ở Thừa Thiên Huế: Hé lộ sai phạm “khủng” của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO