Được biết, 2 loài trà mi hoa vàng này là chi trà mi (Camellia) thuộc thực vật họ chè (Theaceae). Đây là loài trà mi hoa vàng rất được các nhà nghiên cứu trên thế giới rất quan tâm.
Trong đó, trà mi Vũ Quang (Camellia vuquangensis) có một số đặc điểm nhận biết sau: cây bụi, cao 3-4m; lá hình thuôn hẹp, cành non, lá non màu tím nhạt; hoa đơn độc đầu cành, đường kính 8-9,5cm; quả chưa thấy. Loài này được phát hiện tại các đai thấp từ 50-100m so với mực nước biển, phân bố ở sinh cảnh ven sông suối tại Vườn quốc gia Vũ Quang.
Còn trà mi Hà Tĩnh (Camellia hatinhensis) là cây bụi hoặc gỗ nhỏ, cao 4-6m, cành non có lông; lá hình bầu dục thuôn đến mũi mác, rộng 3-5cm, dài 11-15cm; hoa đơn độc đầu cành có đường kính 8-9cm, cánh hoa màu trắng và vàng nhạt; quả hình cầu rộng 3,5-4cm… Các nhà khoa học phát hiện loài trà mi Hà Tĩnh phân bố rộng từ đai 100-700m so với mực nước biển, mọc chung với các loài ưu thế như táu mặt quỷ (Hopia mollissima), dẻ (Lithocarpus sp), két Balansea (Beilschmiedia balansae)…
Theo thông tin từ Vườn quốc gia Vũ Quang, thời gian tới, Vườn quốc gia và các nhà khoa học sẽ có những nghiên cứu cụ thể nhằm phát triển và bảo vệ nguồn dược liệu quý hiếm này.
Trên thế giới, các nhà khoa học xếp trà mi hoa vàng vào một trong những loại thực vật quý có nhiều giá trị cần được nhân giống và bảo tồn. Theo thống kê, thế giới hiện có hơn 200 loại trà mi hoa vàng khác nhau và tại Việt Nam đã phát hiện 24 loại (chiếm tỷ lệ 12%). Đây được xem là nguồn gen tự nhiên vô cùng quý hiếm và cần được bảo tồn nghiêm ngặt. |