Tạo nét văn hóa bảo vệ môi trường biển
(TN&MT) - Chỉ khi tất cả chúng ta cùng có ý thức bảo vệ môi trường biển, cùng biến ý thức thành hành động và tạo dựng thành nét văn hóa thì lúc đó chúng ta mới thực hiện được mong muốn giữ mãi màu xanh của biển.
Bài 2: Du lịch xanh bảo vệ môi trường biển
Như trước đó chúng tôi đã thông tin, mọi khởi nguồn bắt đầu từ ý thức, từ ý thức chuyển biến thành hành động. Một trong những hành động mang tính lan tỏa cộng đồng là du lịch kết hợp bảo vệ môi trường. Thông qua du lịch, đặc biệt là các thông tin hướng dẫn du lịch cho du khách, đội ngũ hướng dẫn viên có thể kết hợp tuyên truyền, tăng thêm hiểu biết và trách nhiệm cho du khách về bảo vệ môi trường biển
Đầu tư để tuyên truyền hiệu quả
“Có kinh tế mới bảo vệ môi trường tốt được” - Chia sẻ của một bạn du khách quốc tế đến từ Anh làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Ý thức có thể nâng cao thông qua tuyên truyền mà đơn giản nhất là tuyên truyền miệng. Nhưng nếu có thể tăng hiệu quả bằng các công cụ quảng bá thì tác dụng sẽ gấp hơn nhiều lần.
Vị du khách đưa ra dẫn chứng: một người nói thì chỉ vang xa được nửa chiếc sân to, nhưng nếu sử dụng một chiếc loa thì cả sân sẽ nghe thấy. Như vậy, nếu tăng đầu tư và kết hợp du lịch với tuyên truyền thì tuyên truyền sẽ lan tỏa đến nhiều người hơn, hiệu quả sẽ cao hơn.
Đó cũng chưa hẳn là một ví dụ mang tính vĩ mô, nhưng với góc nhìn của một du khách, tôi đồng tình với suy nghĩ dùng ngay chính du lịch - một ngành có tác động đến môi trường để bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng.
Du lịch có mối quan hệ mật thiết với văn hóa. Chúng ta có thể hướng đến việc tuyên truyền về văn hóa tôn trọng thiên nhiên của cha ông ta để lan tỏa đến du khách. Có rất nhiều phong tục tốt đẹp mang yếu tố tín ngưỡng dân gian như thờ các vị thần biển, linh vật biển. Có thể kể đến tục thờ thần Nam Hải của cư dân miền biển, Lễ hội Cầu Ngư của các làng chài ven biển miền Trung, hay những câu chuyện ly kỳ về ngư dân gặp nạn trên biển được Cá Ông cứu giúp đã lan truyền trong dân gian... Tất cả những phong tục đó đều có thể tạo thành các câu chuyện lôi cuốn để kể cho du khách khi họ đến tham quan. Một người dân ở lễ hội Cầu Ngư chia sẻ, đây không chỉ là phong tục văn hóa lâu đời mà còn là niềm tin của người ngư dân với nghề biển, nếu có sự tin tưởng thì sẽ được chở che. Sự tin tưởng vào các vị thần cũng đi cùng với tôn trọng biển, không đối xử tệ với biển. Đây cũng là bài học và giá trị có thể lan tỏa cho con người ngày nay, nếu chúng ta không bảo vệ biển cho tốt thì chính con người sẽ gặp tai họa.
Những phong tục văn hóa này hằng ngày vẫn được khai thác phục vụ du lịch. Bên cạnh đó chúng ta còn có rất nhiều nét văn hóa trong lịch sử, thơ ca về bảo vệ môi trường. Trong tình trạng ô nhiễm môi trường biển vẫn còn là vấn đề bức xúc thì cần thiết đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền bằng cách gắn với hoạt động du lịch, bởi lượng ô nhiễm đến từ du lịch là rất đáng lưu tâm.
Nói đến ô nhiễm môi trường biển, chúng ta có thể nhìn ra cái khó của việc giải quyết tận gốc vấn đề này. Hiện nay biện pháp xử lý môi trường tại chỗ đang được đẩy mạnh, cùng với thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền đến cộng đồng và phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường. Với việc du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta cần phải tận dụng chính hoạt động du lịch để tăng ý thức bảo vệ môi trường.
Có thể lấy chính người dân ở các điểm du lịch để chia sẻ những câu chuyện từ thực tế cuộc sống. Trong một lần đến tham quan Hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) ở thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, chúng tôi chứng kiến lòng nhiệt huyết và chỉ dẫn tận tình của một nhân viên trạm hải đăng. Không chỉ cung cấp thông tin về lịch sử, văn hóa nơi đây đến du khách, nhân viên ở đây còn cho thấy họ rất trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh điểm tham quan và môi trường xung quanh. Đứng trên ngọn hải đăng, anh chỉ tay xuống vùng biển phía trước và chia sẻ: “Để giữ được quang cảnh tuyệt vời và làn nước xanh trong này đòi hỏi nỗ lực, chung tay bảo vệ môi trường của tất cả chúng ta. Trước vẻ đẹp của thiên nhiên, chúng ta không chỉ yêu quý mà còn phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn cho các thế hệ mai sau".
Ấn tượng về những trải nghiệm của một chuyến du lịch sẽ luôn in sâu vào tâm trí. Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong điều kiện và hoạt động cụ thể sẽ tác động mạnh đến suy nghĩ của mỗi người, đó là điều tôi muốn nói.
Lan tỏa văn hóa bảo vệ môi trường trong du lịch
Chứng kiến các vị khách quốc tế đứng chụp hình trên biển, nghe họ bày tỏ cảm giác thán phục trước cảnh đẹp của nước ta, tôi không khỏi bâng khuâng suy nghĩ. Trong những lời nói đó, họ vẫn nhắc đến những chai nhựa, vỏ bánh kẹo trên bãi cát.
Du lịch có thể lan tỏa hành động tốt đẹp để bảo vệ môi trường, nhưng cũng chính du lịch cũng liên quan đến việc xả rác ra môi trường. Du lịch biển là thế mạnh của các địa phương có biển, nhưng với lượng du khách lớn cùng sự đa dạng của du khách cũng tạo ra cái khó trong bảo vệ môi trường biển. Cái khó đầu tiên là khó kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm môi trường biển trong du lịch. Với hành vi này, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo điểm d, Khoản 2, Điều 25 của Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với đặc thù không gian rộng và lực lượng chức năng còn mỏng thì việc giám sát, xử phạt cá nhân có hành vi xả rác ra môi trường biển một cách triệt để vẫn còn nhiều khó khăn.
Một trong các giải pháp tiếp theo là phát động các phong trào mạnh mẽ về bảo vệ môi trường biển. Tôi đã từng chứng kiến một bài toán tưởng khó giải là kéo giảm tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch ở TP. HCM nhưng từng bước đạt được thành công. Trong đó, biện pháp tuyên truyền rộng rãi thông qua các cuộc vận động được xem là có thể đem lại hiệu quả cao. Thực tế cho thấy Chỉ thị 19-CT/TU năm 2018 về thực hiện Cuộc vận động "Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước" đã lan tỏa sâu rộng trong nhân dân và người đến thăm thành phố. Hiện nay cần một phong trào rộng rãi là bảo vệ môi trường biển gắn với phát triển du lịch. Hai khía cạnh này luôn tương hỗ, tác động qua lại và bổ trợ cho nhau, nếu làm tốt, chúng ta sẽ được cả hai.
Du lịch là một ngành có tính kết nối, tính cạnh tranh và liên quan đến văn hóa một cách sâu sắc. Ngoài ra, với một ngành có sự giao lưu mạnh mẽ giữa người với người, du lịch tạo ra môi trường thuận lợi để lan tỏa văn hóa bảo vệ môi trường biển. Đối với du khách quốc tế, họ là những người coi trọng cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa ở các quốc gia điểm đến. Việc chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy quyết tâm bảo vệ môi trường biển chính là góp phần nâng tầm hình ảnh đất nước, đưa đất nước ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn bè quốc tế. Thời đại ngày nay không có chỗ cho tư tưởng ăn xổi, làm hời hợt trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, do vậy kết hợp với bảo vệ môi trường là con đường đúng đắn bảo đảm cho sự tồn tại của du lịch.
Sự thay đổi nhận thức và hành động của người dân để bảo vệ môi trường biển cần được nâng tầm lên một mức độ cao hơn là tạo dựng thành "văn hóa bảo vệ môi trường biển", không chỉ trong du lịch mà còn trong toàn bộ các mặt của đời sống xã hội. Điều đó cũng giống như việc chúng ta đang ra sức xây dựng văn hóa giao thông trong người dân. Đây là việc cần huy động các nguồn lực xã hội để tiến hành, cũng như tận dụng các ứng dụng, công cụ công nghệ cao để quản lý, giám sát, phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt nghiêm minh.
Bài 3: Hình thành văn hóa bảo vệ biển từ gia đình
Đinh Thành Trung - Nhà B4, số 261 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội