Xã hội

Điện Biên xác định mục tiêu giảm nghèo từ du lịch

Trần Hương 13/05/2024 - 16:35

(TN&MT) - Du lịch là một trong những lĩnh vực được Điện Biên xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, giúp địa phương giảm nghèo bền vững. Từ mục tiêu đó, trong những năm qua, Điện Biên đã chú trọng đầu tư cho lĩnh vực du lịch về cơ sở hạ tầng và ban hành một số chính sách đi kèm. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo TN&M đã có buổi phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên.

PV: Thưa bà! Xin bà đánh giá sơ bộ về sự phát triển ngành du lịch tỉnh Điện Biên trong những năm qua?

Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên: Từ năm 2021 đến năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt trên 1,8 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.041,5 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 8.000 lao động, trong đó có 3.500 lao động trực tiếp; số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 2,5 ngày. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2024 tỉnh Điện Biên đón 1.056,6 nghìn lượt khách du lịch, trong đó 4,8 nghìn lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 1.896,9 tỷ đồng.

Tiềm năng du lịch Điện Biên rất lớn, có quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nét văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc. Trên cơ sở đó, tỉnh đã từng bước khai thác các sản phẩm du lịch các điểm du lịch sinh thái, văn hóa được đầu tư xây dựng.

a1.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên.

Hiện nay, Điện Biên có 33 di tích được xếp hạng, trong đó, 01 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh. Nổi bật là di tích lịch sử quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ (gồm 45 điểm di tích thành phần) gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là tài nguyên quý giá, đặc sắc cho phát triển du lịch tỉnh Điện Biên.

Bên cạnh đó, Điện Biên còn sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như: Hồ Pá Khoang, động Khó Chua La, động Pa Thơm, động Pê Răng Ky, đèo Pha Đin, nước khoáng nóng U Va và Hua Pe, cánh đồng Mường Thanh (vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc), khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé, A Pa Chải (ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc, nơi duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc), cao nguyên đá Tủa Chùa, quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại Tủa Chùa (Cây di sản Việt Nam)… Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và giá trị văn hóa, lịch sử tạo điều kiện cho du lịch tỉnh Điện Biên có bước phát triển trong thời gian qua.

PV: Thưa bà! Tỉnh Điện Biên đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên: Trong thời gian qua, hoạt động phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng dân cư địa phương. Người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

a4.jpg
Du lịch cộng đồng bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 12 bản văn hóa du lịch, 6 homestay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương. Nhất là đối vời người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và trên địa bàn toàn tỉnh.

Do đó, nhiều bản văn hoá, các hộ gia đình đã chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động cải tạo và vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, khu vực chuồng trại hợp vệ sinh; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phục dựng lại một số lễ hội truyền thống; khôi phục các nghề sản xuất thủ công truyền thống, đặc biệt là các hàng hóa thổ cẩm và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ; tham gia các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch…

PV: Để phát triển du lịch Điện Biên gắn với giảm nghèo, phát huy hiệu quả thiết thực cần những kế hoạch và giải pháp gì trong thời gian tới? Thưa bà!

Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên: Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu, năm 2025, nâng tỉ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh; số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch đến Điện Biên từ 3 ngày trở lên; tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân 15%/năm; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân trên 14%/năm.

a3...jpg
Phát triển du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thêm thu nhập ổn định, từng bước giảm nghèo.

Từ những mục tiêu đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án, Kế hoạch về bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đầu tư, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, phát triển du lịch, nâng cao đời sống văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Ngoài ra, còn tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Hiện nay, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế. Các sở, ban, ngành và địa phương vẫn đang tích cực triển khai đảm bảo các chỉ tiêu đề ra trong Đề án, Kế hoạch.

a2.jpg
Phục dựng các lễ hội truyền thống góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa của người dân vùng cao.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai một số nội dung: khuyến khích, hỗ trợ, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng loại hình du lịch tại nhà người dân địa phương (homestay), loại hình du lịch trang trại (farmstay). Các điểm, bản du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn gắn với các sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương nhằm thu hút phục vụ khách du lịch đồng thời tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang triển khai mô hình phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. Trong thời gian tới UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục triển khai, phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng tại các bản như: bản Lồng của dân tộc Mông (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo); các dản dân tộc người Hà Nhì ở huyện Mường Nhé...; bản Khơ Mú của xã Mường Mươn huyện Mường Chà... và còn nhiều địa khác cũng sẽ áp dụng mô hình này. Điều này sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức, cải thiện nguồn thu nhập hướng đến thoát nghèo, giảm nghèo bền vững được kết hợp giữa ngành nông nghiệp và du lịch của địa phương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên xác định mục tiêu giảm nghèo từ du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO