Đất đai

TP.HCM: Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đất đai

Nguyễn Quỳnh 14/05/2024 - 15:43

(TN&MT) - Công tác quản lý nhà nước về đất đai tại TP.HCM ngày càng đi vào nề nếp, nguồn lực đất đai từng bước được sử dụng, khai thác hiệu quả, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác quản lý đất đai của thành phố còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần có những giải pháp tổng thể trong quản lý nhà nước.

z5439363408392_390524b1c5a91544c4277fbed74563b2.jpg
Lãnh đạo Hội đồng lý luận Trung ương và Thành ủy TP.HCM chủ trì Hội thảo

Sáng 14/5, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý đất đai trên địa bàn TPHCM: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" và Luật Đất đai năm 2024.

Phát huy nguồn lực đất đai

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết: TP.HCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực và của cả nước. Do đó, công tác quản lý và sử dụng đất luôn được Đảng bộ, chính quyền TP.HCM quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục. "Thành ủy TP.HCM cũng đã ban hành Chương trình hành động số 38 để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW. UBND TP.HCM đã triển khai thực hiện đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”. TP.HCM còn tập trung thực hiện quy hoạch sử dụng đất; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai; đổi mới công tác tài chính đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất…", ông Nguyễn Hồ Hải cho biết thêm.

z5439363506147_ccced0587659dbe4f919e1feb3678d4c.jpg
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM phát biểu

Tuy vậy, cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Hồ Hải, với nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan, lẫn chủ quan, công tác quản lý này vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, TP.HCM cũng luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện của Trung ương, sự hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành trong cả nước.

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, những năm qua, trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, nguồn lực đất đai đã được khai thác, sử dụng ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, tại nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp.

z5439363599522_9f77d1a5879d495596c55ad8b1b2977b.jpg
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn kiến nghị, trong thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố, TP.HCM cũng cần bám sát tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Luật Đất đai năm 2024, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM, nhất là Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Khắc phục những bất cập

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã phân tích, thảo luận những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị giải pháp, bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai tại TP.HCM. Trong đó, ông Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với vai trò là động lực cho sự phát triển của đất nước. TP.HCM đang mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất. Thành phố đang thiếu quỹ đất cho giao thông, nhà ở xã hội, giáo dục, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao. Khả năng thu hút đầu tư của TP.HCM, nhất là thu hút FDI những năm gần đây có xu thế chậm lại, thiếu dự án lớn để tạo điều kiện cho thành phố bứt phá.

z5439363690828_127a61b0bce19cd93e4c2f03a3119c00.jpg
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý kiến tại Hội thảo

Trong khi đó, giá đất của TP.HCM đang quá cao so với các tỉnh lân cận, nếu giá đất cứ tiếp tục đẩy cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và đầu tư, giá thành sản phẩm… mất khả năng thu hút đầu tư. Hiện nhiều người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xác định quyền sở hữu thể hiện ở việc còn hàng chục ngàn hồ sơ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên địa bàn thành phố vẫn có nhiều dự án triển khai chậm, không triển khai nhưng thiếu cơ chế xử lý, khó thu hồi gây lãng phí nguồn lực đất đai. Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, triều cường đang diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng cũng sẽ khiến cho một phần diện tích đất TP.HCM sẽ bị ngập, không thể sử dụng đúng mục đích.

Trên cơ sở đó, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiến nghị: TP.HCM cần rà soát lại quy hoạch đô thị, trong đó có quy hoạch đất đai để hướng tới tầm nhìn phát triển đến năm 2050; bố trí lại cơ cấu đất đai phù hợp cơ cấu kinh tế, khắc phục cho được việc mất cân đối các loại đất đai… Trước mắt, Thành phố cần tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng “vướng” pháp lý cho hàng trăm dự án sử dụng đât trên địa bàn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và tăng nguồn thu ngân sách. Đặc biệt, Thành phố phải có kế hoạch, giải pháp triển khai hiệu quả Luật Đất đai năm 2024.

z5439363793817_a307b21dc995ccc3b629fc06e9e11960.jpg
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo phát biểu

Tại Hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng cho rằng, thời gian qua, tại TP.HCM công tác lập quy hoạch và tổ chức quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất chưa tốt; sử dụng đất đai còn lãng phí, trong đó có nhiều khu đất của cơ quan Trung ương đang chưa được khai thác, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó, bà Phạm Phương Thảo đề xuất, TP.HCM cần làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tinh thần quy hoạch đa trung tâm; sớm xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả quả sử dụng đất; số hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; và đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai minh bạch; tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai.

z5439364016731_50b7c9e636af868a857c700a29b445fa.jpg
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Quản lý đất đai trên địa bàn TP.HCM: Thực trạng và giải pháp”

Theo Sở TN&MT TP.HCM, tổng diện tích tự nhiên của toàn thành phố theo kết quả thống kê đất đai năm 2022 là 209.539,4 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 111.724,9 ha, chiếm 53,32% diện tích tự nhiên, giảm 62,7 ha so với năm 2021; diện tích đất phi nông nghiệp là 96.783,8 ha, chiếm 46,19% diện tích tự nhiên, giảm 62,7ha so với với năm 2021; diện tích đất chưa sử dụng là 1.030,7 ha, chiếm 0,49% diện tích tự nhiên…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO