Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% máy móc phục vụ nông nghiệp

Tuyết Chinh| 21/02/2020 11:13

(TN&MT) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, sáng 21/2. tại Hà Nội.

Máy nông nghiệp Việt Nam mới chiếm gần 30% thị phần

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4HP/ha) và Trung Quốc (8HP/ha).

Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng gần 30% thị phần, 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng gần 30% thị phần, 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa

Tại ĐBSCL, việc cơ giới hóa canh tác được thực hiện chủ yếu trong ngành trồng lúa, mía đường.

Ngược lại, tỷ lệ này còn rất thấp với các cây trồng cạn khác ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Trên thực tế, có rất nhiều loại máy móc nông nghiệp, phụ thuộc vào quy trình công tác, thu hoạch các loại cây trồng khác nhau, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng miền.

Theo Bộ Công thương, những điều kiện của Việt Nam như có dân số lên tới 95 triệu người và một nền kinh tế tăng trưởng nhanh khiến quy mô thị trường nội địa của Việt Nam trở nên rất đáng kể. Trong đó, 60% dân số ở độ tuổi dưới 30 và thế hệ những người trẻ được kỳ vọng sẽ tạo nên một nền tảng tiêu dùng quan trọng trong vòng 10 năm tới.

Người dân Việt Nam chi trả một phần đáng kể thu nhập của họ cho lương thực thực phẩm và đang có xu hướng mua các thực phẩm ăn sẵn, các sản phẩm thực phẩm cao cấp nhiều hơn so với sự gia tăng thu nhập của các hộ gia đình sống ở thành phố và chế độ làm việc 5 ngày trong tuần.

Do đó, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến nông lâm thủy sản cũng như áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp để nâng cao giá trị chế biến là rất lớn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã khẳng định, nâng cao năng lực công nghiệp chế biến và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản.

Chỉ có đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông sản theo hướng chuyên sâu cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh trang cao mới đáp ứng được nhu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn và yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Tập trung vào thị trường nội địa, thể hiện trách nhiệm với nông dân, người tiêu dùng

Nhấn mạnh việc hiện nay, có những địa phương đã bước đầu làm tốt về cơ giới hóa, chế biến được đẩy mạnh; một số Công ty, tập đoàn về nông nghiệp đã có cách làm tốt như Đồng Giao, Lộc Trời, Dabaco, TH True Milk, Nafood Group, Richy, Máy động lực… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vẫn có những địa phương, doanh nghiệp còn yếu kém trong việc ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ chế biến còn yếu, lạc hậu. Tình trạng sản xuất thủ công vẫn còn phổ biến trong ngành nông nghiệp Việt Nam, dẫn tới năng suất lao động còn rất thấp trong ngành nông nghiệp nước ta…

Vì vậy, cần những chính sách tập trung, những giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, đẩy mạnh công nghiệp chế biến trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp, địa phương trong ngành nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sâu không chỉ hướng tới thị trường xuất khẩu, mà còn phải chú trọng hơn nữa vào thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Bởi đây còn là thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp với nông dân, với người tiêu dùng trong nước. Đây là khâu mà thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến chưa thật sự quan tâm chú trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% máy móc phục vụ nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO