Bến Tre: Tiềm năng phát triển bền vững
(TN&MT) - Thời gian qua, để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, tỉnh Bến Tre tập trung tái cơ cấu lại nền kinh tế. Đặc biệt mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024, Bến Tre đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế, định hướng ra biển, phát triển hướng Đông để góp phần thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
Đổi mới để phát triển
Theo UBND tỉnh Bến Tre, qua thời gian triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã có tác động tích cực đến quá trình sản xuất nông nghiệp, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chuỗi giá trị. Ứng dụng nhiều hơn công nghệ cao, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị cho nông sản. Việc tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng thông qua việc hỗ trợ các chứng nhận GAP, hữu cơ, OCOP... cho các sản phẩm nông nghiệp ngày càng gia tăng.
Qua thống kê, đến nay Bến Tre có 26.470 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương. Có 24 mã số vùng trồng nội địa với diện tích là 640ha; 62 vùng trồng xuất khẩu với diện tích 1.055ha; 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan... Tỉnh hiện có 161 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 1 liên hiệp hợp tác xã; trong đó, có 88 tổ hợp tác, 78 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Song song đó, Bến Tre định hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dừa, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành chủ lực của tỉnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục trên đà phục hồi. Số lượng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, số vốn, nhất là hiệu quả về giá trị sản xuất công nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu liên tục tăng qua các năm, từ 01 tỷ USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2020, đến năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD, phấn đấu năm 2024 đạt chỉ tiêu đề ra khoảng 1,7 tỷ USD.
Với quyết tâm cao trong hiện thực hóa những mục tiêu phát triển, Bến Tre đã không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh. Những năm qua, tỉnh Bến Tre đã thành công trong việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cụ thể, Chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 tăng 6 bậc so với năm 2022 (từ hạng 13 năm 2022 lên hạng 7) và xếp vị trí thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bến Tre sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần ‘Đồng Khởi mới’ và những thành quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời, nghiên cứu ban hành những chủ trương, chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để ‘hút vốn’ đầu tư hiệu quả, tăng tốc phát triển và sớm trở thành một trong những nền kinh tế động lực mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre
Khát vọng vươn xa
Mới đây, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2024 với chủ đề: “Bến Tre - Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững”, UBND tỉnh Bến Tre đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án, với tổng số vốn đầu tư là 7.985,5 tỷ đồng. Đồng thời, ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác (MOU) với 22 nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư khoảng 303.125 tỷ đồng.
Chia sẻ về “Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam cho biết: Với khát vọng và quan điểm phát triển “dựa vào nội lực là nền tảng, cơ bản lâu dài và ngoại lực là quan trọng, đột phá”, Bến Tre đã xây dựng hoàn thành Quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, ưu tiên phát triển mạnh về hướng Đông với điểm nhấn là Tuyến đường bộ ven biển.
Điểm nhấn tiếp theo thể hiện khát vọng phát triển, tầm nhìn chiến lược là Khu lấn biển với diện tích khoảng 50.000 ha để mở rộng không gian phát triển và phát triển mạnh kinh tế biển với các đột phá về công nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản công nghệ cao; kinh tế hàng hải; dịch vụ, du lịch và đô thị xanh... Qua đó, tạo nền tảng để đến năm 2050, tỉnh Bến Tre thực hiện đạt được mục tiêu là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống.
Cũng theo ông Trần Ngọc Tam, với quyết tâm cao nhất trong hiện thực hóa những mục tiêu phát triển của mình, Bến Tre đã không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh. Song song với việc triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, mời gọi đầu tư, tỉnh cũng đã tập trung cải cách mạnh mẽ, toàn diện thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến với Bến Tre.
“Bến Tre cũng vừa tổ chức khởi công dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển của tỉnh và khởi động dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông của tỉnh Bến Tre, kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông khu vực và quốc gia; đồng thời mở ra không gian phát triển cho khu vực phía Đông tỉnh Bến Tre, là điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian tới”, ông Trần Ngọc Tam cho biết thêm.
Còn theo bà Hồ Thị Hoàng Yến - Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, hiện nay kinh tế biển cũng là ngành kinh tế rất quan trọng. Tỉnh có 65km đường bờ biển vốn từ lâu chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh này. Do đó, Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh đề ra định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông. Đồng thời, Tỉnh ủy Bến Tre cũng đã có Nghị quyết phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Tầm quan trọng của việc phát triển tỉnh về hướng Đông là phát huy khai thác tiềm năng thế mạnh của 65km bờ biển trọng tâm là khu lấn biển để tạo không gian phát triển mới, tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư phát triển đô thị biển, các khu kinh tế biển. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tỉnh rất nghiêm trọng. Do đó, việc lấn biển cũng nhằm để giữ đất, chống chọi với biến đổi khí hậu. Đây là tầm nhìn mang tính chiến lược, lâu dài của địa phương.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến cho hay, để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, hiện các ngành, địa phương đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của các huyện, thành phố và quy hoạch xây dựng để tạo thế đột phá mới trong việc huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là khuyến khích và thu hút tốt các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.
Tương lai Bến Tre có giàu, có khá lên hay không là do hướng ra biển, phát triển về hướng Đông. Tầm nhìn hướng Đông và phát triển lấn biển thể hiện được khát vọng vươn xa của Bến Tre. Đặc biệt, tỉnh hiện có nhiều đường giao thông kết nối rất thuận lợi, có đủ điều kiện để các nhà đầu tư đến đầu tư, kể cả trong và ngoài nước. Tỉnh cũng mong muốn thông qua các nhà đầu tư này để Bến Tre có thể vươn cao, vươn xa hơn nữa, không chỉ trong nước mà còn hướng ra quốc tế.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Quyền Bi thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre