Vì sự bình yên ở vùng biên giới Tây Giang

19/03/2016 00:00

(TN&MT) - Nhận thức được việc để người dân tàng trữ và sử dụng súng trái phép có nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội nên Công an huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí; từ đó góp phần làm cho vùng biên giới này luôn được bình yên…

Người dân tự nguyện đến Gươl giao nộp súng cho lực lượng Công an
Người dân tự nguyện đến Gươl giao nộp súng cho lực lượng Công an

Cách Trung tâm xã Lăng, huyện Tây Giang gần 20km, song chúng tôi phải mất gần 1 giờ đồng hồ mới có thể đi hết con đường đất gồ ghề dẫn vào  tổ tự quản Arớch nằm yên bình giữa đại ngàn. Đây là nơi sinh sống của 10 hộ dân đồng bào Cơ tu. Nhận được giấy mời đến Gươl để giao nộp vũ khí của lực lượng Công an, từ sáng sớm, ông Bơlong Bheng (SN 1956, trú tổ tự quản Arớch, xã Lăng) đã có mặt và giao nộp khẩu súng tự chế cho Công an huyện Tây Giang. Ông Bheng vui vẻ cho biết: “Khẩu súng này đã gắn bó với bố được hơn 5 năm qua, thi thoảng bố dùng để đi săn bắn thú trong rừng. Dù rất tiếc khi phải tiến hành giao nộp, song vì nghe lời tuyên truyền của Công an huyện nên bố cũng nghiêm túc chấp hành thôi”. Cũng như ông Bheng, anh Bơlong Ablư (SN 1981) cũng có mặt đúng giờ để đến lượt mình bàn giao khẩu súng tự chế có giá 2 triệu đồng đã gắn bó với mình 2 năm qua cho Công an huyện, vì “nhiều khi giữ khẩu súng trong nhà cũng sợ kẻ xấu lấy trộm rồi làm điều bậy bạ”. Theo quan sát, khẩu súng của anh Ablư là khẩu súng tự chế có giá súng làm bằng gỗ, nòng súng là ống sắt rỗng,… Khẩu súng này dùng để bắn đạn bi sắt và có độ sát thương cao.

Thiếu úy Trần Ting Hoàng, cán bộ Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT Công an huyện Tây Giang cho biết, với người đồng bào Cơ tu ở Tây Giang, khẩu súng là cả một gia tài và trong tiềm thức, đó là “cần câu cơm” để người dân vào rừng săn bắn thú nhằm cải thiện bữa ăn gia đình. “Do khẩu súng có ý nghĩa lớn đối với đồng bào nơi đây nên việc tuyên truyền, vận động người dân giao nộp là hết sức khó khăn. Các Đội nghiệp vụ của Công an huyện phải thực hiện nhiều đợt tuyên truyền rất khéo mới có thể thuyết phục được người dân tự nguyện giao nộp súng của mình”- Thiếu úy Hoàng chia sẻ.

Hàng chục khẩu súng tự chế có độ sát thương cao đã được người dân giao nộp ở huyện Tây Giang
Hàng chục khẩu súng tự chế có độ sát thương cao đã được người dân giao nộp ở huyện Tây Giang

Hơn 90% dân số của huyện biên giới Tây Giang là đồng bào Cơ tu. Họ sống rải rác ở các vùng lưng chừng đồi, điều kiện đi lại hết sức khó khăn. Do đó, để tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí có hiệu quả đòi hỏi cán bộ chiến sĩ nơi đây phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Trung tá Bling Bớp- Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT Công an huyện Tây Giang cho biết, có những bản làng xa xôi, đường xe chưa vào đến nơi được, đặc biệt là vào mùa mưa, nên công tác xuống thôn bản để tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc tàng trữ và sử dụng súng là hết sức khó khăn. “Có điểm bản, cán bộ chiến sĩ phải băng rừng, vượt suối đi bộ hàng giờ đồng hồ mới đến nơi. Chưa kể, do tập tục của người dân là ban ngày thường đi làm trên rẫy, chiều tối mới về nhà nên công tác tuyên truyền phải được thực hiện vào ban đêm. Chúng tôi thường cử những cán bộ là người địa phương, thông thạo tiếng Cơ tu xuống tiếp xúc người dân thực hiện việc tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất”- Trung tá Bớp nói.

Nhờ làm tốt việc tuyên truyền, vận động người dân trong việc giao nộp vũ khí mà từ năm 2015 đến nay, hàng chục khẩu súng tự chế, có cả một số khẩu súng tự chế có tia la-ze để nhắm bắn và các khẩu súng tự chế bằng cồn mới xuất hiện trên địa bàn huyện Tây Giang đã được giao nộp. Đại tá Võ Văn Hai- Trưởng Công an huyện Tây Giang, cho biết trong thời gian đến, lãnh đạo đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội nghiệp vụ thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí; góp phần đảm bảo ANTT ở vùng biên viễn xa xôi…

Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sự bình yên ở vùng biên giới Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO