Vì sao người dân khó mua nhà ở xã hội?

Thùy Linh| 09/03/2021 11:30

(TN&MT) - Một số chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tăng cường khâu hậu kiểm để quản lý tình trạng mua bán trái phép nhà ở xã hội. Tại TP. Hà Nội đã rộ lên tình trạng mua bán tiền “chênh” nhà ở xã hội, có căn nhà được mua đi bán lại với số tiền chênh lên đến vài trăm triệu đồng. Việc này đã gây khó khăn cho những người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Rộ tình trạng bán chênh nhà ở xã hội

Các dự án nhà ở xã hội nằm tại các quận trung tâm Hà Nội đang được nhiều nhà đầu tư săn tìm. Nhiều dự án chưa chính thức được mở bán nhưng đã công khai chào bán các suất mua với giá tiền chênh lệch từ 50 triệu đồng cho đến 200 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, hiện có nhiều sàn giao dịch bất động sản đã chuyển hướng sang thu gom các suất mua nhà ở xã hội tại nhiều dự án để bán lấy tiền chênh lệch. Các khoản tiền chênh được ẩn đi dưới hình thức phí dịch vụ tư vấn.

Dự án nhà ở xã hội tại huyện Thanh Trì, mặc dù mới đang trong giai đoạn nhận hồ sơ nhưng người mua phải thông qua kênh của các sàn bất động sản mới có thể lấy được hàng.

Anh N.V.H (nhân viên môi giới) cho biết, khách hàng muốn mua nhà ở xã hội tại dự án này phải đặc cọc trước 10 triệu đồng để ghi danh sách không phải tham gia bốc thăm. Nếu muốn chọn căn đẹp, tiền chênh sẽ là 70 -100 triệu đồng, tùy căn. Khoản tiền này sẽ chia làm 2 đợt. Đợt 1 coi như đặt cọc thiện chí. Khi nào dự án mở bán, khách hàng chọn đúng căn hộ mình mong muốn rồi mới phải trả hết tiền. Số tiền chênh này đảm bảo cho việc khách hàng không phải thực hiện các thủ tục bốc thăm như quy định của pháp luật. Ngoài ra, số tiền này sẽ dành để chung chi cho việc chọn căn, chọn tầng.

Tương tự, tại dự án nhà ở xã hội trên địa bàn phường Phương Canh (Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), nhân viên môi giới của nhiều sàn bất động sản đang rao bán rầm rộ các căn hộ dự án này. Thông qua hình thức thu phí dịch vụ, các môi giới thu tiền chênh từ 50 - 100 triệu đồng tùy từng vị trí, diện tích căn hộ.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các thông tin liên quan như dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán được Sở Xây dựng công khai trên website. Người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội chủ động theo dõi thông tin từ cơ quan chức năng. Việc cá nhân, tổ chức thu phí hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ và cam kết sẽ được mua nhà ở xã hội; chi phí để khách hàng mua được căn góc, vị trí đẹp chênh so với giá gốc hàng trăm triệu đồng… là trái với các quy định hiện hành về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục mua bán nhà ở xã hội, đã được quy định cụ thể trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định, Thông tư đã được ban hành.

Tình trạng mua bán tiền “chênh” đã gây khó khăn cho những người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Ảnh: Hoàng Minh

Nới lỏng nguồn cung

Việc khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội tại các thành phố lớn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán tại các dự án.

Để tháo gỡ nút thắt này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho TP. Hà Nội được thí điểm một số dự án nhà ở xã hội. Sau đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và giao Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của TP. Hà Nội trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan.

Ông Hà Quang Hưng - Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, ngày 31/12/2020, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập như: bổ sung quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lấy ý kiến thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ pháp luật đầu tư và pháp luật nhà ở.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất bổ sung khái niệm “dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” để tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho các nội dung hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, xác định ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng: cho phép dự án nhà ở xã hội loại hình chung cư được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất để đảm bảo thống nhất với pháp luật về quy hoạch và tính khả thi.

Cùng với đó, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư;...

Ngoài ra, trong năm 2021, Bộ Xây dựng cũng sẽ tích cực phối hợp với UBND TP. Hà Nội trong việc nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội độc lập, trong đó có dự án nhà ở xã hội độc lập có quy mô lớn (từ 50 ha trở lên) trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định chi tiết Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, dự kiến sẽ ban hành trong năm nay.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2020, TP. Hà Nội đã hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 550.281 m2 sàn tương ứng với 5.348 căn hộ. Hiện, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã giao các nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 301,64 ha đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao người dân khó mua nhà ở xã hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO