Vi phạm cấp chứng nhận chất lượng và thử nghiệm phân bón: Bài 2 - Lộ diện "công nghệ" bán giấy ăn tiền

19/05/2016 00:00

(TN&MT) - Do buông lỏng quản lý, thiếu sự giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng nên chỉ trong 10 năm trở lại đây, thị trường phân bón đã trở nên "điên...

(TN&MT) – Trong số các tổ chức được Cục Trồng trọt chỉ định cấp giấy chứng nhận và thử nghiệm phân bón bị Thanh tra Bộ NN&PTNT “sờ gáy” và được nêu tên tại kết luận thanh tra số 235/KL-TTr ngày 28/4/2016 thì gây sốc nhất có lẽ là Công ty Cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (CAFECONTROL) có trụ sở hoạt động tại 228A đường Pasteur, phường 6, quận 3, TP. HCM và Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (Trung tâm vùng Nam Bộ) có trụ sở tại 12 Nguyễn Chí Thanh, phường 2, quận 10, TP.HCM.
 
Con voi chui “tọt” qua lỗ kim
 
Việc Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) chỉ định và trao quyền các tổ chức được quyền cấp giấy chứng nhận và thử nghiệm phân bón cho các công ty sản xuất, nhập khẩu phân bón nhưng thiếu sự thanh kiểm tra, giám sát đã dẫn đến những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ cho người nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất và nước.
 
Trung tâm vùng Nam Bộ (Ảnh lấy trên website của Trung tâm này)
Trung tâm vùng Nam Bộ đã chứng nhận hợp quy cho hàng trăm sản phẩm phân bón ngoài danh mục của Bộ NN&PTNT (Ảnh lấy trên website của Trung tâm này)
Chẳng hạn, với Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (Trung tâm vùng Nam Bộ): Trung tâm này là tổ chức được chứng nhận khi chưa đủ năng lực theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Khi được Cục Trồng trọt chỉ định là tổ chức chứng nhận phân bón đã không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động. Phòng thử nghiệm phân bón của trung tâm cũng không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm. 
 
Nghiêm trọng hơn, Trung tâm vùng Nam Bộ mặc dù được Bộ Công Thương chỉ định là tổ chức chứng nhận phân bón DAP, phân lân nung chảy tại Quyết định số 8888/QĐ-BCT ngày 03/10/2014. Thế nhưng, Trung tâm vùng Nam Bộ đã chứng nhận cho 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ trong khi trung tâm này không hề được chỉ định chức năng trên (chỉ được chứng nhận phân bón DAP và phân lân nung chảy). Sau khi chứng nhận xong, trung tâm cũng không hề lưu mẫu.
 
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra 496 sản phẩm phân bón được Trung tâm vùng Nam Bộ chứng nhận hợp quy không nằm trong danh mục quy định của Bộ NN&PTNT, vi phạm Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó là hàng ngàn sản phẩm phân bón của 276 doanh nghiệp không được giám sát về chất lượng, chứng nhận sai, nhiều sản phẩm nằm ngoài danh mục cho phép... nhưng đã được đóng dấu "hợp quy", bán tràn lan trên thị trường. Đó là chưa kể, trung tâm còn cấp chứng nhận hợp quy cho 420 sản phẩm phân bón nhập khẩu mà không cần ký hợp đồng, chỉ dựa theo đơn của khách hàng. Các công ty: Việt Tranh Đề, Vĩnh Thạnh, Grow More... liên quan tới các thương vụ này.
 
Đặc biệt, kết quả kiểm tra sổ sách tài chính cho thấy các khoản thu của trung tâm này có sự chênh lệch số liệu, có dấu hiệu để ngoài sổ sách, không hạch toán vào hệ thống quản lý tài chính nhưng bên cạnh đó, Trung tâm vùng Nam Bộ cũng là một điển hình của việc “ăn nên làm ra” bằng cách bán giấy chứng nhận vô tội vạ bởi chỉ trong vòng 3 năm tính từ khi bắt đầu hoạt động (2012) với số dư cuối kỳ là hơn 200 triệu đồng thì cho đến tháng 10/2015, trung tâm đã phát triển một cách thần kỳ với số tiền phát sinh cộng lũy kế đầu năm lên tới hơn 12 tỷ đồng, tức là gấp 60 lần so với ban đầu.
 
Để làm được điều đó, Trung tâm vùng Nam Bộ đã ký 569 hợp đồng thực hiện đánh giá chứng nhận hợp quy và cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 5141 sản phẩm, trong đó có 4326 sản phẩm phân vô cơ, 337 sản phẩm phân hữu cơ, 378 sản phẩm phân bón lá, hiện tại đang chứng nhận chất lượng cho 318 sản phẩm. Giá trị hợp đồng ký kết hơn 34 tỷ đồng, chưa tính kinh phí chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm nhập khẩu và giám sát chứng nhận hợp quy.
 
Rất nhiều loại phân bón được bán trên thị trường có gắn mác chứng nhận hợp quy sản phẩm từ những tổ chức được chỉ định trái pháp luật của Cục Trồng trọt - Ảnh minh họa
Rất nhiều loại phân bón được bán trên thị trường có gắn mác chứng nhận hợp quy sản phẩm từ những tổ chức được chỉ định trái pháp luật của Cục Trồng trọt - Ảnh minh họa
Thậm chí “Công nghệ” thu tiền đơn giản đến mức: Khi đến thời hạn đánh giá giám sát theo quy định, Trung tâm vùng Nam Bộ gửi thông báo đánh giá giám sát đến từng đơn vị, trong đó có thông báo giá phân tích mẫu. Đơn vị nào đồng ý giám sát thì liên hệ và nộp tiền tại phòng kế toán đơn vị. 
 
Bán cà phê nhưng lại được chỉ định chứng nhận phân bón
 
Ngoài “ông lớn” chuyên bán giấy chứng nhận hợp quy và thử nghiệm phân bón Trung tâm vùng Nam Bộ đình đám kể trên thì một đơn vị khác cũng góp phần lột tả hình ảnh thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực được Bộ NN&PTNT giao cho Cục Trồng trọt. Đó là Công ty Cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (CAFECONTROL).
 
Lí do là bởi Cục Trồng trọt chỉ định hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón cho CAFECONTROL trong khi Công ty này chỉ hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu cà phê, không có nhân viên chuyên ngành về phân bón, không có phòng thử nghiệm phân bón, không có đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận chất lượng cũng như hoạt động thử nghiệm phân bón và thực tế là không hoạt động gì trong lĩnh vực phân bón. Khó hiểu hơn nữa là hồ sơ chỉ định tổ chức chứng nhận lưu trữ tại Cục Trồng trọt cũng cho thấy CAFECONTROL không có tài liệu chứng minh kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón của các chuyên gia; không có giấy đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận; không có nhân viên được cấp chứng nhận người lấy mẫu phân bón, không có hoặc thuê phòng thử nghiệm phân bón được công nhận hoặc được chỉ định. Phải chăng điều đó đồng nghĩa với việc Cục Trồng trọt có thể chỉ định cho bất cứ tổ chức nào có nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực này?.
 
Công tác lấy mẫu trực tiếp tại nơi sản xuất là cực kỳ quan trọng nhưng rất nhiều tổ chức được chỉ định cấp giấy chứng nhận và thử nghiệm phân bón đã bỏ qua bước này
Công tác lấy mẫu trực tiếp tại nơi sản xuất là cực kỳ quan trọng nhưng rất nhiều tổ chức được chỉ định cấp giấy chứng nhận và thử nghiệm phân bón đã bỏ qua bước này
Một Công ty khác có tên trong danh sách 11 tổ chức được Thanh tra Bộ NN&PTNT nêu tên cũng có những sai phạm tương tự như CAFECONTROL đó là Công ty Cổ phần Giám định và khử trùng FCC (Cty FCC). Công ty này không có tài liệu chứng minh kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón của các chuyên gia; không có đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận tại thời điểm chỉ định, không được chỉ định thử nghiệm đối với lĩnh vực phân bón; nhân viên không có kinh nghiệm; phòng thử nghiệm không có năng lực phân tích một số chỉ tiêu nhưng vẫn được Cục Trồng trọt chỉ định cho phép hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận chất lượng và kiểm nghiệm phân bón. Và mặc dù không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận và phòng thử nghiệm nhưng Cty FCC vẫn ngang nhiên thực hiện chứng nhận hợp quy cho 24 sản phẩm của 4 công ty và phân tích các chỉ tiêu ngoài phạm vi được chỉ định.
 
Gửi mẫu, trả tiền là có kết quả chứng nhận
 
Quy trình cấp giấy chứng nhận qua bản kết luận Thanh tra cho thấy sự dễ dãi, cẩu thả đến mức khó tin khi chỉ cần khách hàng gửi mẫu tới, nộp tiền là có kết quả. Chẳng hạn, Công ty TNHH Kencert – đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định cho phép chứng nhận chất lượng phân bón đã cấp giấy chứng nhận chất lượng cho 38 sản phẩm của 17 công ty sản xuất phân bón không đủ tiêu chuẩn. Các công ty sản xuất phân bón tự gửi các mẫu phân bón để Công ty này cấp chứng nhận hợp quy. Nghiêm trọng hơn, Công ty đã giả mạo hồ sơ đăng ký chỉ định tổ chức chứng nhận, có dấu hiệu giả mạo chữ ký của người lấy mẫu. Kết quả kiểm tra hồ sơ chứng nhận chất lượng cho 38 sản phẩm của 17 công ty sản xuất phân bón cho thấy có rất nhiều sai phạm.
 
Không chịu kém cạnh trong việc “ngồi mát ăn bát vàng” đó là Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert). Một trung tâm không có phòng thử nghiệm, không có tài liệu chứng minh số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón của các chuyên gia nhưng do được Cục Trồng trọt chỉ định nên vẫn cấp chứng nhận hợp quy cho 39 sản phẩm phân bón của 12 công ty không bảo đảm độc lập, khách quan. Với Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest2) cũng vậy, trung tâm này không có chứng chỉ người lấy mẫu phân bón hoặc hợp đồng thuê người lấy mẫu phân bón được chỉ định; không thực hiện đánh giá giám sát đối với các sản phẩm phân bón đã chứng nhận hợp quy… nhưng vẫn cấp chứng nhận chất lượng cho 17 sản phẩm là không độc lập, khách quan.
 
Ngoài ra, rất nhiều sai phạm liên quan tới việc chứng nhận hợp quy phân bón không đảm bảo khách quan, độc lập, thậm chí là cố ý làm trái cũng được làm rõ như Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (Nafi2) đã tiến hành 22 hành vi thực hiện chứng nhận hợp quy phân bón không bảo đảm khách quan, độc lập... Công ty Cổ phần chứng nhận Globalcert cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 22 sản phẩm phân bón của 6 công ty không có tên trong danh mục phân bón được phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. Thực hiện đánh giá không đảm bảo tính độc lập, khách quan và cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 52 sản phẩm phân bón của 12 Công ty sản xuất….
 
Vietcert
Công ty Vietcert có dấu hiệu vi phạm hình sự khi cấp giấy chứng nhận phân bón tràn lan, không đúng theo quy định
Có dấu hiệu hình sự
 
Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra phát hiện Công ty Cổ phần Chứng nhận và giám định Vinacert có dấu hiệu hình sự khi thực hiện hoạt động chứng nhận hợp quy phân bón và ban hành các quyết định chứng nhận cho 32 sản phẩm phân bón của 10 công ty sản xuất phân bón không đúng pháp luật; chứng nhận hợp quy cho 166 sản phẩm của 38 công ty phân bón không đúng quy định, giả chữ ký của người lấy mẫu, chuyên gia. Cấp chứng nhận hợp quy cho 2 sản phẩm không có tên trong danh mục phân bón được sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam (Hudavil Tiến Thành 1 và Hudavil Tiến Thành 2). Ngoài ra, còn nhiều dấu hiệu sai phạm trong cấp chứng nhận hợp quy cho 36 loại phân bón của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con cò vàng.
 
Có đơn vị còn “cẩu thả” tới mức để phân bón lẫn với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thậm chí nguồn gốc nguyên liệu phân bón hữu cơ sinh học NPL TP-PhaOne có từ “phân bò” nhưng không phân tích chỉ tiêu hạn chế vi khuẩn Salmonella, Ecoli mà vẫn cấp chứng nhận hợp quy. Đó là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Viễn Khang, Công ty này đã chứng nhận cho 40 sản phẩm phân bón của 24 đơn vị nhưng không đánh giá sự phù hợp của quá trình sản xuất.
 
Tổ chức cuối cùng có tên trong kết luận thanh tra là Trung tâm Giám định và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy (Vietcert): Mặc dù Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động cho phép Trung tâm Vietcert được hoạt động chứng nhận chất lượng 5 loại phân bón nhưng Cục Trồng trọt đã chỉ định Trung tâm Vietcert được phép chứng nhận chất lượng tất cả các loại phân bón. Trung tâm đã ban hành quyết định chứng nhận hợp quy 102 sản phẩm của 42 công ty sản xuất phân bón không đúng quy định.
 
Như vậy có thể thấy, chỉ cần đúng 45 ngày đi kiểm tra thì Đoàn Thanh tra Bộ NN&PTNT đã chỉ ra tất cả các tổ chức có tên trong kết luận được Cục Trồng trọt chỉ định cấp giấy chứng nhận và thử nghiệm phân bón trên toàn quốc đều vi phạm pháp luật, thậm chí là nghiêm trọng. Nói theo lời của một lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì “họ” tạo nên cả một đường dây báo cáo không đúng sự thật, cố tình bỏ qua mọi sự thật, làm hại hàng chục triệu nông dân. Nhưng tảng băng chìm trong lĩnh vực này không chỉ dừng lại tại Bộ NN&PTNT -  đơn vị chỉ chịu trách nhiệm quản lý chưa tới 10% lượng phân bón tại Việt Nam mà còn có liên quan tới nhiều đơn vị khác.
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
 
Mạnh Hưng
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm cấp chứng nhận chất lượng và thử nghiệm phân bón: Bài 2 - Lộ diện "công nghệ" bán giấy ăn tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO