Tại Hội nghị trực tuyến "Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19" được tổ chức mới đây, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản...
Cơ quan này cũng dự báo, từ nay đến cuối năm, cả nước cần tiêu thụ thêm 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau và 1,7 triệu tấn trái cây các loại. Riêng trong tháng 9, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa; hàng tháng có khoảng 400.000 tấn trái cây các loại và 250.000 tấn rau cần tiêu thụ. Các loại trái cây cần tiêu thụ theo mùa vụ hoặc xuất khẩu với sản lượng lớn như: thanh long, xoài, cam mỗi loại 35.000 tấn, bưởi 40.000 tấn, chuối 50.000 tấn… cũng cần phải giải quyết đầu ra một cách hiệu quả.
Nông sản cần "giải cứu" ngày càng nhiều. Ảnh: V.H |
Những con số dự báo đó tiếp tục tạo nên tiếng thở dài của người nông dân khi đang đối mặt với quá nhiều thách thức về nông nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp.
Và "đến hẹn lại về", điệp khúc "giải cứu" nông sản tiếp tục được nhắc đến nhiều hơn. Thực tế, câu chuyện này không mới. Không chỉ vì đại dịch mới phải “giải cứu” mà câu chuyện "giải cứu" nông sản đã diễn ra từ nhiều năm, mỗi khi được mùa. Ở chừng mực nào đó, “giải cứu” nông sản là động thái tích cực, song, xét cho cùng chỉ là tình thế trước mắt. Còn về lâu dài, không thể diễn ra mãi với một đất nước có trên 70% dân số ở nông thôn và nông nghiệp là thế mạnh.
Kỳ vọng nông nghiệp phải bứt phá đi lên luôn là trăn trở của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và các cấp chính quyền. Nhưng mở lối thế nào, tháo gỡ vướng mắc ra sao lại không hề đơn giản! Chúng ta đã có không ít chính sách cho tam nông, nhưng chưa đủ để nâng bước sản xuất nông nghiệp. Bao nhiêu giải pháp vẫn chưa gỡ được đầu ra cho nông sản thoát khỏi tâm thế “may nhờ, rủi chịu”. Câu chuyện liên kết “4 nhà” (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp) rất hay, rất trúng, nhưng vì sao nhà nông vẫn loay hoay là câu hỏi còn để ngỏ?
Ở đây, không thể trách người nông dân chậm bước. Càng không thể nói nhà nông kém nhanh nhạy. Vấn đề nằm ở vai trò của các Bộ, ngành cần phải xem xét trách nhiệm về quản lý Nhà nước với kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn nhiều yếu kém, bất cập. Một đất nước phần lớn người dân sống ở nông thôn, rõ ràng chính sách dành cho họ cần sát thực tiễn hơn. Và muốn có chính sách trúng và đúng, trước hết phải hiểu thấu xem họ mong gì, cần gì?!
Chưa kể việc đầu tư sức chống chịu, thích ứng cho sản xuất nông nghiệp thời gian qua thực sự chưa xứng tầm. Đơn cử, nhìn vào hệ thống đê điều, hệ thống thủy nông, thủy lợi, hồ chứa nước, đê bao ngăn mặn… khi biến động khí hậu ngày một khắc nghiệt đang đặt ra những vấn đề không nhỏ. Những cảnh báo "quá mức" về nguy cơ từ biến đổi khí hậu dẫn đến ý tưởng hình thành những công trình vĩ đại, tốn kém kinh phí, nguồn lực và thời gian mà tính khả thi rất đáng ngờ.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế là quan điểm lớn và đúng đắn của Chính phủ. Vì vậy, sản xuất kinh tế trong tất cả loại hình, trong đó, có nông nghiệp luôn cần phải được đặt trong một thế cân bằng thường thấy với môi trường và xã hội và phải tính toán đến điều đó một cách đầy đủ, thấu đáo.
Đã đến lúc cần từ bỏ tư duy một cực - coi phát triển là một cuộc đua để đuổi theo những lợi ích ngắn hạn. Điều cần nhất bây giờ chính là thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Và nội hàm của nông nghiệp bền vững nằm ngay trong quy hoạch phát triển nuôi, trồng phải gắn với tiêu thụ, khả năng dự báo thị trường để người nông dân làm ra sản phẩm không “khốn khổ vì ứ thừa”.