(TN&MT) - Chiều 13/8, tại TP.HCM, Vụ thị trường trong nước - Bộ Công thương đã làm việc với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phía Nam để nắm bắt khó khăn và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Theo Bộ Công thương, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm do nhiều nguyên nhân, tác động tiêu cực đến mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng xã hội.
6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 3.098.692 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ, các nhóm có đóng góp lớn cho mức tăng chung là lương thực, thực phẩm, văn hóa phẩm giáo dục, đồ dùng trang thiết bị gia đình, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống với mức tăng từ 10,4-37,1%.
Các nhóm khác như hàng may mặc, phương tiện đi lại, dịch vụ khác chỉ tăng từ 2,4 - 9,6%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 5,7%.
Tuy nhiên, nếu tính chung trong cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13-13,5%/năm). 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết: Buổi làm việc này nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trường kinh tế.
Do đó, đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tập trung trao đổi, phân tích xu hướng, cũng như chia sẻ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc đối ngoại Central Retail cho biết, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp chỉ ở mức tương đương hoặc thấp hơn, tháng 7 có xu hướng tăng nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp mong muốn tìm được đối tác phù hợp để thuận lợi kinh doanh, cũng như tìm được nguồn hàng. Đồng thời, mong nhà nước hỗ trợ về chính sách để hoạt động kinh doanh được thuận lợi hơn.
Còn ông Hà Ngọc Sơn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA) đề xuất: trong lúc thị trường biến động, chính sách của trung ương nên có độ trễ lại một chút để doanh nghiệp kịp thích ứng. Ví dụ giá thuê mặt bằng (chính sách về giá đất) làm tăng giá ảnh hưởng đến phí thuê nhà của doanh nghiệp bán lẻ. Đề xuất công khai các doanh nghiệp logictis trên trang thông tin của bộ để các doanh nghiệp bán lẻ tự kết nối.
Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Công thương có nhiều chính sách kích thích hàng tiêu dùng trong nước, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước nhiều hơn, có giải pháp tăng cường ngăn chặn hàng giả hàng nhái…
Ông Phan Văn Chinh cho biết, theo đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước”, Bộ Công thương đã đưa ra một số đề xuất. Trong đó, đề xuất chương trình in và phát voucher mua hàng tiêu dùng sản xuất trong nước. Đối tượng thụ hưởng là công nhân, người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp phân phối có hệ thống điểm bán lẻ trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bên cạnh đó, là chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu, đối tượng thụ hưởng là các doanh nghiệp phân phối (bán buôn, bán lẻ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật tư và nhu yếu phẩm thiết yếu).
Cụ thể, là các doanh nghiệp phân phối có tham gia các hoạt động bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu (bao gồm các hộ kinh doanh và các nhà cung cấp hàng hóa có thuê địa điểm bán hàng trong hệ thống). Đồng thời, hỗ trợ một phần chi phí lưu kho, tồn kho, chi phí giảm.