Xã hội

Tương lai tươi xanh từ rừng cây gỗ lớn...

Đình Tiệp 05/06/2023 - 16:20

Nhìn những rừng cây rợp bóng xanh ngát bạt ngàn, chúng tôi như được xua đi cái nóng hừng hực mà “đặc sản” gió Lào thường mang về cho xứ Nghệ mỗi khi mùa hè đến. Một ông chủ khu rừng keo hơn hai mươi héc ta tâm sự rằng: “Trồng rừng gỗ lớn vừa cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với rừng gỗ nhỏ, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái...”.

Bài học từ việc “bán lúa non”

Còn nhớ độ hơn chục năm về trước, phong trào trồng cây keo “nở rộ” khắp các huyện trung du và miền núi xứ Nghệ. Đặc biệt, ở các huyện vùng cao thì người người, nhà nhà đổ xô đi trồng keo đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc. Từ tuyến đường Quốc lộ 48 như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong hay ngược sang hướng Quốc lộ 7 như Anh Sơn, Con Cuông, Đô Lương...

Và, tôi còn nhớ như in câu chuyện trồng keo của anh Sầm Văn Chung, ở xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu). Khoảng năm 2010, sau khi cưới nhau được vài năm, do còn trẻ và gia đình gặp nhiều khó khăn nên khi thấy phong trào trồng keo nở rộ thì đôi vợ chồng trẻ cũng bàn nhau phát rẫy trồng keo trên mảnh đất ông bà để lại non 6 héc ta.

anh-1(5).jpg
Người dân ở xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) thu hoạch keo non.

Hai vợ chồng tâm sự rằng, việc đầu tư cho canh tác đất rồi giống má, công chăm sóc năm đầu đã “ngốn” khá nhiều vốn liếng của gia đình. “Tôi đã phải bán trâu để lấy tiền đầu tư vào cây keo khi thấy phong trào trồng loài cây này nở rộ với mong muốn khoảng 5 năm sau sẽ cho thu hoạch để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Thế nhưng, 5 năm sau khi thu hoạch thì trừ các loại chi phí, còn lại chẳng được bao nhiêu vì giá kéo vừa thấp mà sản lượng cũng không đáng kể vì thương lái cho rằng đó là keo...non” – Anh Chung kể việc trồng keo của mình.

Giống với đôi vợ chồng trẻ này, anh Lô Văn Phú ở xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) cũng đã từng không ít lần than thở vì suất đầu tư chưa “đúng cách” của mình. Theo anh Phú, khi đó gia đình anh có một mảnh đất rộng độ chục héc ta tại khu vực Bãi Kè, xã Yên Hợp, sát với bờ sông Hiếu. Khi phong trào “người người trồng keo, nhà nhà trồng keo” đang thịnh hành thì vợ chồng anh cũng nhanh chóng bắt tay vào làm ăn cho giống xóm, giống làng. Thế là anh không tiếc tiền đầu tư ban đầu lên đến hàng trăm triệu đồng để cải tạo đất, đào hào ngăn gia súc, rồi mua giống tận huyện Quỳnh Lưu về đầu tư.

anh-2(3).jpg
Thu hoạch keo mới khoảng 5-6 năm tuổi vừa có giá trị kinh tế thấp, lại ảnh hưởng xấu đến đất đai và môi trường.

Sau những năm nóng lòng chăm sóc vườn keo, đến năm thứ 6 thì thương lái đến hỏi mua. Thấy họ mua trước, bán sau nên gia đình anh cũng đồng ý bán trọn gói cho thương lái. “Cũng muốn giữ rừng keo lại cho cây nó to lên, độ tuổi tầm 9-10 năm mới bán cho được giá. Thế nhưng, thấy các vườn keo hàng xóm họ bán rồi mua xe, mua tivi, tủ lạnh...thì vợ chồng tôi cũng sốt ruột. Vậy là quyết định bán. Khi đó bán gần 20 héc ta keo mới 6 năm tuổi mà được có gần 800 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, công cán chăm sóc và chờ đợi 6 năm trời thì số tiền lãi cũng không đáng là bao” – Anh Vi Văn Phú, uể oải nhớ lại.

Anh Phú, cho biết thêm: “Khi đó đang “dại”, chưa có kinh nghiệm trồng rừng nên cứ thấy họ làm là làm theo. Khi đó 2 vụ keo liên tiếp cứ thu hoạch keo non nên đất bị hư hại hết, bạc màu, xói mòn nên sau này phải cải tạo lại mất nhiều chi phí thì đất đai mới trở lại bình thường được”.

Kỳ vọng mới

Đó là những câu chuyện của độ mười, mười lăm năm trở về trước. Nay, tư duy, kiến thức trồng rừng của bà con ở Nghệ An đã dần được đổi khác. Tư tưởng ăn vội, ăn non dần dà đã không còn mà thay vào đó là những suất đầu tư trồng rừng đúng đắn, hợp lý và khoa học.

Chúng tôi không khỏi “mê mẩn” khi nhìn đồi keo hơn hai chục héc ta của gia đình ông Nguyễn Văn Vê, ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương. Rừng keo đã bước sang năm thứ 9, một số diện tích đã bước sang năm thứ 12, 13 là đồi keo được trồng theo chương trình trồng rừng gỗ lớn.

anh-3(2).jpg
Trồng cây gỗ lớn sẽ mang lại nhiều lợi ích.

“Từ năm thứ 4 hoặc thứ 5 trở đi, keo phát triển rất nhanh, tán rộng che ánh sáng, cỏ đỡ mọc. Nếu bán gỗ trồng 5 năm tôi chỉ thu được khoảng 60 triệu đồng/ha, nhưng để đến 12,13 năm số tiền thu được sẽ gấp ba, lại đỡ công trồng và chăm sóc; nhiều cây keo còn làm được gỗ khối, tính bằng m3, giá trị rất cao, hiệu quả hơn “bán lúa non” quá đi chứ” – Ông Vê phấn khởi khoe.

Được biết, năm 2018, HTX Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy được Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam hỗ trợ phát triển 2 mô hình trồng rừng gỗ lớn quy mô 10 ha/mô hình. Bên cạnh tăng thu nhập kinh tế cho người dân, những mô hình được xây dựng để từ đó nhân rộng này còn nhằm phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường đất, nước. Đến nay trên diện tích rừng do HTX quản lý đã có hàng trăm ha rừng gỗ lớn, phát triển từ vườn rừng của gần 20 hộ thành viên.

anh-4(1).jpg
Mô hình trồng Quế Quỳ đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường sinh thái tại huyện Quế Phong.

Ông Nguyễn Sỹ Bình – Giám đốc HTX cho biết, nếu rừng trồng 5 năm cho thu nhập 50- 60 triệu đồng/ha, thì những rừng keo trồng trên 10 năm giá trị có thể lên tới 180 - 200 triệu đồng/ha. Thời gian dài gấp đôi, nhưng người dân không phải bỏ thêm chi phí cây giống, đầu tư ban đầu thêm một lần nữa, cây keo từ năm thứ 6 trở đi hầu như không cần phải chăm sóc. Đến nay, hầu hết các hộ có diện tích rừng lớn, điều kiện kinh tế ổn định đều đã đăng ký trồng rừng gỗ lớn, với diện tích khoảng 500 ha. “HTX đang cố gắng tìm kiếm, cân đối nguồn để hỗ trợ từ 500.000 – 600.000 đồng/ha rừng trồng từ năm thứ 6 trở đi, hỗ trợ cây giống cho những hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn”- ông Nguyễn Sỹ Bình cho biết. Đến nay, toàn xã Thanh Thủy cũng đã có gần 2.000 ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Gỗ có chứng chỉ, được nhà máy thu mua cả vỏ với giá cao hơn từ 10 - 20%.

Còn tại huyện Quỳ Châu, việc triển khai trồng rừng gỗ lớn có khá nhiều thuận lợi. Trên địa bàn hiện có 21.600 ha rừng trồng và chủ yếu là keo nguyên liệu, tỷ lệ che phủ rừng là khoảng trên dưới 77%. Giao đất gắn với giao rừng, đến nay trên địa bàn huyện đã có 9.216 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích 40.665 ha; đã có 2.886 ha rừng tại xã Châu Bình được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Quỳ Châu đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng rừng nguyên liệu đạt trên 23.000 ha, trong đó đẩy mạnh trồng rừng thâm canh gỗ lớn với diện tích 7.000 – 8.000 ha. Huyện chủ trương xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng và du lịch sinh thái để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

anh-5.jpg
Bạt ngạt rừng keo tại các huyện miề núi tỉnh Nghệ An.

Còn tại huyện Quế Phong, theo ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, thực hiện chủ trương trồng rừng gỗ lớn và trồng cây bản địa, cây đặc sản, từ năm 2017 đến nay với việc áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh Nghệ An và chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Quế Phong tổ chức triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn và trồng cây bản địa được trên 700 ha với 1.575 hộ gia đình tham gia.

Các loài cây trồng chủ yếu là Keo tai tượng Úc và Quế Quỳ. Trong đó, diện tích rừng trồng Keo tai tượng Úc là 465,04 ha, diện tích Quế Quỳ là 242,19 ha. Các mô hình này bước đầu đã tạo thu nhập cho người dân địa phương góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và hạn chế được các rủi ro về môi trường so với trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ. Đặc biệt là các mô hình trồng rừng Quế Quỳ đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, người dân có thu nhập ổn định thông qua các sản phẩm phụ từ rừng. Hiện nay, người dân địa phương đã mạnh dạn tự bỏ vốn đầu tư trồng Quế Quỳ và một số hộ gia đình đang chuyển dần từ đầu tư trồng Keo sang đầu tư trồng Quế Quỳ cho thu nhập cao hơn và ổn định hơn.

anh-6(1).jpg
Rừng sản xuất nếu được phát triển thành rừng gỗ lớn sẽ có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Cùng với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, thì rừng sản xuất nếu được phát triển thành rừng gỗ lớn cũng có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Là huyện miền núi cao, nên tại địa bàn huyện Quỳ Châu vào mùa mưa lụt thường dễ xảy ra các hiện tượng lũ quét, lũ ống.

Ông Lê Hải Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Trên địa bàn, nhiều vùng có độ dốc cao, lại là đất đồi sỏi không kết dính, nên sau khai thác trắng, bà con đốt dọn sạch thực bì, nếu trồng lại chỉ 4-5 năm đã thu hoạch thì không đủ thời gian tái tạo lại tầng đất, gặp mưa bão rất dễ xói mòn, sạt lở. Nhờ phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn, những hiện tượng này đã giảm hẳn; nhiều vùng đầu nguồn có diện tích rừng phòng hộ được bảo vệ tốt, rừng sản xuất phát triển thành rừng gỗ lớn, những năm gần đây rất ít xảy ra các hiện tượng lũ ống lũ quét, sạt lở đất như trước đây”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tương lai tươi xanh từ rừng cây gỗ lớn...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO