Từ tháng 5, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ra sao?

Tuyết Chinh – Tống Minh (thực hiện)| 23/04/2020 17:57

(TN&MT) - Hiện nay, tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên; trong khi đó, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn có xu thế tăng nhẹ.

Phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) về những diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn ở các khu vực trên trong những tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020.

Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia)

Sắp bước vào thời kỳ “đỉnh” của hạn hán

Phóng viên: Xin ông cho biết, diễn biến của tình trạng hạn hán đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên? Tác động của hạn hán đến đời sống của người dân ở khu vực này?

Ông Phùng Tiến Dũng: Từ đầu mùa khô 2019-2020, đến nay tình trạng hán hán, thiếu nước cục bộ đã xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Yên đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Do tình trạng hán hán, nên tại một số tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên sẽ không có đủ nước tưới đối với với vụ Đông Xuân và tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng xảy ra cục bộ tại Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.

Trong 10 ngày vừa qua, ở Trung Bộ và khu vực Nam Tây Nguyên đã xuất hiện các đợt mưa dông, nên tình trạng hán hán, thiếu nước ở các địa phương được cải thiện.

Nguyên nhân của tình trạng này là do ngay trong mùa mưa năm 2019, lượng mưa ở khu vực Trung Bộ thiếu hụt từ 20-40%, các hồ chứa lớn ở khu vực Trung Bộ không tích được đầy nước. Bước sang mùa khô, hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha nóng, nền nhiệt độ tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến cao hơn TBNN từ 1-2 độ, tổng lượng mưa thiếu hụt từ 20-50% so với TBNN, tổng lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt từ 15-65%, một số sông thiếu hụt trên 70% là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên.

Phóng viên: Tình trạng hạn hán ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đã lên đến đỉnh điểm hay chưa? Dự báo diễn biến hạn hán ở khu vực này trong thời gian tới ra sao, thưa ông?

Ông Phùng Tiến Dũng: Hiện tại, tình trạng hạn hán, thiếu nước đang diễn ra gay gắt hơn tại các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk. Cuối tháng 4, sang tháng 5/2020 là thời kỳ mưa chuyển mùa ở Tây Nguyên, do đó tình trạng hạn hán ở khu vực Tây Nguyên sẽ được cải thiện và giảm dần.

Với các tỉnh khu vực Trung Bộ, tình trạng hạn hán sẽ lan rộng từ tháng 5-8/2020 và nghiêm trọng hơn ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Tình hình hạn hán xảy ra gay gắt ở những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi.

Xâm nhập mặn tiếp tục giảm

Phóng viên: Với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, có thể thấy rằng những ngày qua ở các tỉnh Nam Bộ đã xuất hiện mưa, đây có phải dấu hiệu tích cực để giảm hạn mặn ở các tỉnh ĐBSCL, thưa ông?

Ông Phùng Tiến Dũng: Xâm nhập mặn ở BĐSCL phụ thuộc lớn vào dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL. Từ đầu tháng 4 đến nay, lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mê Công về ĐBSCL có xu hướng gia tăng. Cùng thời gian này đã xuất hiện mưa ở đồng bằng Nam Bộ, góp phần làm giải nhiệt, bổ sung nguồn nước cho hoa màu, vật nuôi, làm giảm độ mặn trên các sông ở ĐBSCL.

Ruộng lúa bị thiệt hại nặng do nước mặn xâm nhập cao chưa từng thấy. Ảnh: Báo Tiền Giang

Mặc dù, hiện tại, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng nhẹ do ảnh hưởng của triều cường đầu tháng 4 âm lịch. Tuy nhiên, độ mặn trọng đợt này vẫn thấp hơn độ mặn đợt 8-13/4 vừa qua. Riêng một số trạm ở Cà Mau có thể cao hơn.

Nhận định trong thời gian tới xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long tiếp tục giảm. Các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, bán đảo Cà Mau thì giảm chậm hơn, duy trì ở mức cao cho đến đầu tháng 5 sau đó sẽ giảm dần.

Phóng viên: Vậy, đơn vị có đưa ra khuyến cáo cho chính quyền cũng như người dân các địa phương chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn  trong thời điểm này?

Ông Phùng Tiến Dũng: Khuyến cáo của chúng tôi đối với người dân chịu ảnh hưởng là cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo, cảnh báo về tình trạng hạn hán thiếu nước tại địa phương. Bên cạnh đó, cần chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí và chủ động các biện pháp ứng phó với tình hình thực tế.

Mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ đến muộn 

Phóng viên: Trong tháng 5, tình hình thời tiết khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có điểm gì đáng lưu ý, thưa ông?

Ông Phùng Tiến Dũng: Hiện tại, Nam Bộ và Tây Nguyên đang trong những ngày nắng nóng, tuy nhiên đến khoảng từ ngày 25/4 trở đi đến hết ngày 30/4 ở khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên sẽ xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa. Trong giai đoạn nửa đầu của tháng 5, tại 2 khu vực này tiếp tục xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa về chiều và tối.

Khoảng nửa cuối tháng 5, gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động mạnh, mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ xuất hiện nhiều hơn, và khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ chính thức bước vào mùa mưa vào giai đoạn nửa cuối tháng. Như vậy, mùa mưa năm nay ở Tây Nguyên và Nam Bộ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm.

Phóng viên: Người dân cần lưu ý những gì trong trong điều kiện thời tiết như vậy, thưa ông?

Ông Phùng Tiến Dũng: Những cơn mưa chuyển mùa sẽ giúp giảm tình trạng hạn hán, giúp các vườn cây trái của bà con được tưới dưỡng. Mặc dù vậy, trong những cơn mưa chuyển mùa thường kèm theo hiện tượng lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh, bà con cần lưu ý để phòng tránh.

 Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ tháng 5, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO