Bến Tre: Cảnh báo về cấp độ rủi ro thiên tai do triều cường
(TN&MT) - Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre nhận định, trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh triều cường sẽ ở mức cao hơn mức báo động 3 từ 4 - 7cm. Từ đó, khuyến nghị các địa phương cần có kế hoạch chủ động ứng phó với tình hình ngập úng, sạt lở, xâm nhập mặn.
Ông Đặng Hoàng Lam - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết, dự báo mực nước đỉnh triều cao nhất hằng ngày trên các triền sông và kênh rạch trong tỉnh Bến Tre sẽ lên dần từ ngày 07 – 09/01, lên nhanh từ ngày 10 – 13/01, xuống chậm dần từ ngày 15 – 19/01. Đặc biệt, mực nước đỉnh triều cao nhất trong đợt triều cường này xuất hiện vào các ngày 12 – 14/01 (nhằm ngày 13 – 15/12 Âm lịch) ở mức cao hơn báo động 3 từ 4 - 7cm.
Theo đó, vào các ngày 12 – 14/01, đỉnh triều đo được trên sông Hàm Luông tại trạm Chợ Lách là 194cm, cao hơn báo động 3 là 4cm; tại trạm Mỹ Hóa là 181cm, cao hơn báo động 3 là 6cm; tại trạm An Thuận là 184cm, cao hơn báo động 3 là 4cm. Còn tại các trạm trên sông Cửa Đại và sông Cổ Chiên lần lượt là 187cm và 190cm, cao hơn báo đông 3 là 7cm và 5cm. Thông tin cảnh báo về cấp độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực tỉnh Bến Tre ở mức Cấp 2.
Với nhận định trên, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre khuyến nghị các địa phương trong tỉnh cần có kế hoạch bảo vệ, kê cao đồ đạc và vật dụng thiết yếu, gia cố hệ thống đê bao, chủ động đối phó với tình hình ngập úng, sạt lở, xâm nhập mặn do triều cường kết hợp gió đông bắc và các tác nhân khác. Đặc biệt các khu vực trong đê bao nhưng cống mở, các khu vực nội vườn, nội đồng không có cống do chênh lệch giữa 2 đỉnh triều chiều và sáng với nước ròng (chân triều) đêm rất nhỏ, gây nên hiện tượng nước lớn (lên) trong thời gian dài giữa 2 đỉnh triều. Các khu vực trũng thấp, khu vực đê bao yếu - ngoài đê bao, khu vực các cồn, cù lao, vùng ven sông rạch, ven biển cũng cần hết sức đề phòng.
Theo ngành chức năng Bến Tre, dự báo mùa khô đầu năm 2025, độ mặn 4‰ sẽ xâm nhập cách cửa sông chính trên địa bàn tỉnh khoảng 44 - 58km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 53 - 72km. Cùng với đó, tình hình triều cường đang lên dần và dự kiến tại một số trạm xấp xỉ mức đỉnh triều lịch sử. Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, sóng to, gió mạnh, mưa dông trên biển, dông lốc trên đất liền cũng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Để phòng chống thiên tai nhằm hướng đến xây dựng cuộc sống an toàn, bền vững cho người dân, tỉnh Bến Tre đã và đang đề ra nhiều giải pháp chủ động phòng tránh, ứng phó. Các ngành, địa phương trong tỉnh chủ động thực hiện công tác quan trắc, theo dõi diễn biến, tình hình xâm nhập mặn mùa khô để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát động thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới trong trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất”.
Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với hạn mặn, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Riêng đối với triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển, tỉnh sẽ tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến triều cường, mực nước trên các sông, kênh rạch, gió mạnh trên biển để có phương án phòng tránh, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản...